Thứ ba Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Hội nhập - Phát triển

Gửi Email In trang Lưu
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng: Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp hướng tới kinh tế xanh, bền vững

11/04/2024 15:42

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23 chiều 10/4 tại TP. Hải Phòng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trên chặng đường hướng tới kinh tế xanh và bền vững.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: Vietnam Connect Forum 2024)

 Diễn đàn lần này có chủ đề "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp".

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bí thư TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng đại diện các Bộ ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI); đại diện các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán); lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, cùng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và bền vững”, cho rằng đây không chỉ là chủ đề của một hội nghị "mà chính là cam kết, là quyết tâm của tất cả chúng ta, dù đại diện cho quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù là chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững".

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã chỉ ra 3 xu thế lớn tác động đa chiều đối với tất cả các quốc gia.

Thứ nhất, phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống, cùng với những căng thẳng địa chính trị đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp trở thành điều chỉnh “bắt buộc”.

Thứ hai, điểm đáng chú ý là hai xu thế tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với phát triển của các công nghệ mới diễn ra đồng thời, tác động qua lại, đẩy nhanh cả hai tiến trình với tốc độ vượt trội.

"Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là AI và giảm phát thải carbon sẽ là hai nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới. Chat GPT chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi các ứng dụng khác phải mất vài năm, thậm chí 10 năm", bà Hằng dẫn chứng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, để phát triển các công nghệ mới, nhất là bán dẫn, AI, nhu cầu về tiêu thụ điện năng, nhất là điện sử dụng năng lượng sạch sẽ tăng gấp nhiều lần. Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.

Thứ ba, phải khẳng định cộng đồng quốc tế đã đạt nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, mục tiêu tham vọng về việc cần hợp tác và hành động vì kinh tế xanh và bền vững.

Tại tất cả các tổ chức, diễn đàn hợp tác đa phương và song phương, kinh tế xanh và bền vững là một trong những nội dung nghị sự được quan tâm hàng đầu. Hàng loạt các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ: Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của Nhóm G7, Sáng kiến Phát triển toàn cầu(GDI) của Trung Quốc, Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) của Nhật Bản, Diễn đàn Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), Luật chống phá rừng của EU, Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới của Pháp…).

"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành các hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững", bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, là một nền kinh tế hội nhập và gắn kết sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy phát triển xanh và bền vững hiện nay.

"Vấn đề đặt ra không phải chỉ là nằm trong vòng xoáy mà Việt Nam cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045", bà Hằng chỉ rõ.

Trong tiến trình đó, là một nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam và từng địa phương của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của bạn bè quốc tế, nhất là trong huy động nguồn tài chính xanh và bền vững, phát triển các công nghệ giảm phát thải và đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Ngoại giao tin tưởng, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để chúng ta cùng trao đổi, đánh giá từ các góc độ khác nhau về những xu thế mới, đồng thời tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác huy động nguồn lực cho quá trình xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các dự án có tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo đột phá; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghệ mới.

Diễn đàn Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh 2024

Các đại biểu dự Diễn đàn Vietnam Connect 2024 chụp ảnh tại sự kiện. (Nguồn: Vietnam Connect Forum 2024)

Đối với Thành phố Hải Phòng và 25 địa phương phía Bắc, trên cơ sở các quy hoạch và định hướng phát triển đã được phê duyệt, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần này cũng là dịp để thành phố và các địa phương nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, vận dụng phù hợp, qua đó khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững của từng địa phương trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trên chặng đường hướng tới kinh tế xanh và bền vững, thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là kết nối đối tác, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao…

Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 và tiếp tục thế giới sẽ ban hành dấu chân nhựa và biên giới nhựa. Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.

Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện.

Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp. Cũng trong Luật này, quy định thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng được xác định rõ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp tại Việt Nam hiện nay.

Diễn đàn Vietnam Connect là sự kiện thường niên, quy mô cấp quốc gia kết nối quốc tế do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) đồng chủ trì tổ chức. Mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn cũng được xác định và củng cố trở thành kênh thông tin uy tín, tin cậy, hội tụ sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, cùng trao đổi, cập nhật và phản hồi thông tin về các vấn đề kinh tế có xu hướng quốc tế, chiến lược và chính sách của Việt Nam.

Qua 3 lần tổ chức thành công tại thủ đô Hà Nội (năm 2021), TP. Hồ Chí Minh (năm 2022), TP. Đà Nẵng (năm 2023), Diễn đàn Vietnam Connect 2024 (lần thứ 4) được tổ chức tại TP. Hải Phòng, một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Báo Thế giới & Việt Nam

Tin khác

Việt Nam-Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước (10/04/2024 08:30)

Hội nghị với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024 (04/04/2024 20:23)

Hà Giang phối hợp với châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến Văn hoá, du lịch và thương mại (19/03/2024 15:49)

Hội thảo đánh giá mục tiêu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế (15/03/2024 08:39)

Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 (09/01/2024 08:11)

HNNG 32: 6 thành tựu nổi bật và 6 nhiệm vụ đối với công tác Ngoại giao kinh tế (22/12/2023 09:49)

Chủ tịch UBND tỉnh dự sự kiện “Biến thách thức thành cơ hội - Những đóng góp của Quỹ Phát triển Saudi Arabia tại Việt Nam và trên thế giới” (08/11/2023 07:17)

Tọa đàm cập nhật triển vọng kinh tế thế giới và hàm ý chính sách trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế (17/08/2023 21:45)

Tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế (21/07/2023 09:00)

Gặp mặt người lao động của tỉnh Hà Giang sang làm việc thời vụ tại Quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc (10/05/2023 16:27)

xem tiếp