Thứ bảy Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Hoạt động chuyên đề

Gửi Email In trang Lưu
Chiến thắng lịch sử 30/4: Ý chí thống nhất đất nước và đóng góp của ngoại giao

22/04/2024 09:32

Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng, ý chí của toàn dân tộc Việt Nam. Khát vọng, ý chí ấy được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, trải qua biết bao hy sinh, gian khổ, được nhân lên và đặc biệt trở thành niềm tin, lý tưởng chiến đấu của cả dân tộc trong hơn chín thập kỷ từ ngày có Đảng.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973. (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao)

 Tiếp theo thắng lợi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau chín năm trường kỳ kháng chiến, Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21/7/1954 với việc các nước lớn cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đó là thắng lợi của ý chí độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam, là thắng lợi rất quan trọng về pháp lý quốc tế cũng như về chính trị. Do tương quan lực lượng, Việt Nam phải tạm thời chia làm hai miền, chờ hiệp thương tổng tuyển cử và thống nhất đất nước.

Thế nhưng, đội quân đế quốc đã từng bước thay thế thực dân ở miền Nam Việt Nam, dựng nên chính quyền tay sai, cự tuyệt tổng tuyển cử. Đây là âm mưu chia cắt lâu dài, thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam, tiến tới xâm chiếm miền Bắc, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống Đông Nam Á.

Trong tình thế ấy, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao lập trường hòa bình, kiên trì đấu tranh, trước hết là tôn trọng Hiệp định Geneva 1954, nhưng ít lâu sau đó buộc phải chuyển sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị để đánh đổ sự thống trị của đế quốc và chính quyền tay sai, lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh đơn phương (1954-1960), chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973), trong đó hai lần Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, phá hoại bằng không quân và hải quân.

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước, khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Quân và dân ta đã vượt qua bao hy sinh, mất mát để đi tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đây là thắng lợi vẻ vang, thể hiện khát vọng, ý chí độc lập, thống nhất của dân tộc, là hiện thực hóa ý chí thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975 chấm dứt hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, ngày tỏa sáng một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Tinh thần và ý chí sắt đá của dân tộc đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí, gạt bỏ mọi trở ngại, khó khăn, những người con ưu tú Việt Nam dám hy sinh, đất nước dám chấp nhận bị tàn phá để giành được độc lập và thống nhất non sông. Ngày 30/4/1975 mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, ngày thống nhất để phát triển dân tộc Việt Nam, mang đến cho khu vực và thế giới một cơ hội để hòa bình, hội nhập.

Chiến thắng vẻ vang 47 năm trước là nhờ sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có đóng góp thầm lặng nhưng rất đỗi tự hào của mặt trận ngoại giao và đối ngoại quân sự.

Trong gần năm năm đàm phán ở Paris, đoàn đàm phán của Việt Nam không bỏ lỡ một cơ hội nào để có thể chấm dứt được chiến tranh. Nhưng chấm dứt chiến tranh không chỉ tùy thuộc ở ta, mà còn tùy thuộc vào đối phương, đặc biệt là cuộc chiến đấu trên chiến trường.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tập trung vào ba nội dung chính là Mỹ rút quân, không can thiệp vào miền Nam Việt Nam; thả tù binh và đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Hiệp định là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.

Hiệp định Paris có phần đóng góp xứng đáng của đối ngoại quân sự Việt Nam, tạo ra bước ngoặt mới trong kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris để lại nhiều bài học sâu sắc, tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thêm vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hôm nay.

Hiệp định Paris không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc kháng chiến trước đây của nhân dân ta mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Hiệp định phản ảnh ở mức cao thắng lợi và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong lúc thế giới có thuận lợi nhưng còn không ít phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả hai nước lớn cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết và hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống xâm lược.

Việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần mở ra cục diện mới ở Ðông Nam Á, khối SEATO giải tán, xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực ngày một phát triển.

Như vậy, từ Hội nghị Geneva năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương đến Hội nghị Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta có bước tiến lớn trên con đường xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế.

Ðây cũng là thành tựu nổi bật của ngoại giao nói chung, đối ngoại quốc phòng Việt Nam nói riêng. 47 năm sau Ngày chiến thắng, quan hệ Việt-Mỹ đã đi những bước khó có thể hình dung tới. Từ cựu thù, ngày nay hai nước đã là đối tác toàn diện, đang phát triển lên mức cao mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu thăm Mỹ năm 2015, biểu hiện của sự công nhận cao nhất về thể chế chính trị giữa Việt Nam và Mỹ. Sắp tới, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc.

Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975, mỗi người Việt Nam hôm nay cần ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa trong trạng thái bình thường mới và quyết tâm giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc.

Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, cần tập trung giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường thế trận lòng dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, củng cố quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của khu vực và quốc tế, bảo vệ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ lẽ phải, hòa bình và các cơ chế đối ngoại đa phương, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh.

Chú trọng giải quyết, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, tránh chọn bên, coi đây là yếu tố then chốt bên ngoài nhằm bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng quan hệ với các nước láng giềng, khu vực; chủ động hội nhập, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN ở khu vực, tăng cường môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác; tăng cường đối thoại, hợp tác cùng có lợi; thúc đẩy tin cậy lẫn nhau để hậu thuẫn giải quyết các vấn đề liên quan.

Báo Thế giới & Việt Nam

Tin khác

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Xứng tầm cao mới (11/04/2024 15:43)

Triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2024 (08/03/2024 06:53)

May mắn khi làm Đại sứ tại Việt Nam (22/02/2024 07:14)

‘Ngoại giao cây tre Việt Nam’ nhận được sự tôn trọng của thế giới (16/02/2024 08:59)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc (22/01/2024 07:52)

Từ bình minh vàng, lũy tre làng đến ngoại giao cây tre (09/01/2024 08:36)

Công tác đối ngoại và ngoại giao: Điểm sáng nổi bật trong thành tựu chung của đất nước (20/12/2023 07:18)

Ngoại giao Việt Nam, dấu ấn, thông điệp và yêu cầu mới (02/10/2023 07:24)

Bộ Ngoại giao tổ chức Khóa bồi dưỡng cấp cao về hội nhập quốc tế (23/09/2023 08:52)

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận (19/07/2023 08:59)

xem tiếp