Thứ sáu Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Lễ tân ngoại giao

Gửi Email In trang Lưu
Phiên dịch ngoại giao: Tìm lại lịch sử để viết tiếp tương lai

28/02/2020 14:56

Tôi thực sự bị cuốn vào câu chuyện của ông, thấy rõ được nỗi niềm đau đáu của ông và đồng nghiệp muốn tìm lại đó đây những mảnh ghép của thời gian để làm vẹn nguyên nguồn mạch lịch sử 75 năm Phiên dịch Ngoại giao. Đó có thể không phải là những số liệu, mốc thời gian, đó có thể chăng, chỉ còn là những ký ức của những chứng nhân đã yêu, bén duyên và dành một phần cuộc đời mình cho nghề phiên dịch ngoại giao!

 Bộ Ngoại giao là một bộ máy với sự kết hợp của nhiều đơn vị khác nhau mà ông Đàm ví đó là những “binh chủng” mang sứ mệnh của riêng mình. Mỗi “binh chủng” ấy phải hoàn thành tốt nhất trọng trách, vai trò thì mới có thể làm nên thắng lợi, thành công cuối cùng. Phiên dịch ngoại giao cũng là một “binh chủng” mang sứ mệnh đặc thù, đã và đang từng ngày nỗ lực cho những thành công chung của ngành đối ngoại.


Trong không khí chung của Ngành Ngoại giao hướng tới kỷ niệm 75 truyền thống, việc “phục dựng” mạch truyền thống của phiên dịch ngoại giao là trăn trở đau đáu của ông Đàm nói riêng và của các các bộ đang làm công tác phiên dịch tại Trung tâm nói chung. Số liệu đâu đó còn có sự sai lệch, mốc thời gian có thể chưa chính xác đến từng giờ phút nhưng chắc chắn những ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí, trái tim của mỗi con người phiên dịch ngoại giao đã đi vào lịch sử như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi…Phiên dịch ngoại giao được thành lập năm 1946 theo Sắc lệnh số 47 ngày 7/4/1946 do Hồ Chủ tịch ký với tên gọi “Phòng Thông dịch”. Tuy nhiên, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lịch sử phiên dịch không tính từ năm 1946 mà khi thành lập Chính phủ lâm thời, có bộ phận đối ngoại thì đã có phiên dịch. Trải qua nhiều đổi thay, có những thời kỳ các đơn vị chuyên môn tự chủ động về ngôn ngữ cho đến khi đơn vị phiên dịch được tái lập năm 1991 do Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh làm trưởng phòng.

Ông Đàm luôn tâm niệm rằng, “binh chủng” nơi ông “đầu quân” hơn hai thập kỷ qua có “tổ nghề”, có lớp trước, lớp sau, những người đã, đang và sẽ luôn làm nghề phiên dịch ngoại giao với tất cả đam mê dẫu có khó khăn, suy tư, cay đắng, dằn vặt nhưng như những sợi dây thừng luôn đan vào nhau, vẫn có đó cả những phần thưởng và vinh quang.

Mặc dù mỗi giai đoạn của lịch sử đều có những đặc thù riêng, tình hình thế giới có nhiều khác biệt, chính sách đối ngoại cũng có những bước phát triển, mọi hoạt động đối ngoại đều cần có phiên dịch trên các lĩnh vực khác nhau. Đó có lẽ là tất cả ý nghĩa và thông điệp của sự kiện được tổ chức ngày 27/2 này mang tên “Phiên dịch ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”.

“Chúng tôi muốn trả lại cho lịch sử phiên dịch ngoại giao một chặng đường chúng tôi không thể lãng quên. Chúng tôi bắt đầu tìm lại những con người, họ là thế hệ các ông, các bác, các anh chị đã gắn bó một phần đời, tâm huyết trên các vị trí khác nhau cho nghề phiên dịch, chúng tôi tìm lại được ở họ những vẹn nguyên ký ức, những tâm nguyện chẳng thể phai đi mặc cho sự khắc nghiệt của tuổi tác và thời gian.

Chúng tôi muốn cùng ngồi lại để nhớ về những chặng đường sôi nổi không thể quên và tri ân họ với vai trò của thế hệ đi sau được kế thừa và tiếp bước. Chúng tôi muốn sống hết mình cho quãng đời ‘say’ với nghề phiên dịch hiện tại để dù sau này có chuyển sang bất cứ lĩnh vực công tác nào cũng không có điều nuối tiếc”, ông Đàm chia sẻ.

 

 

 

Trong tôi, một phóng viên đối ngoại, những người phiên dịch rất đáng ngưỡng mộ, không có họ chắc chúng tôi chẳng thể hoàn thành một bài viết trọn vẹn sau mỗi buổi họp, hội thảo hay tọa đàm quốc tế. Thế nhưng, để hiểu về họ thì có lẽ chỉ sau buổi nói chuyện với ông Đàm, tôi mới có thể có cho mình những nhận thức về nghề phiên dịch rõ ràng hơn.

 

Ông Đàm chia sẻ, có nhiều điều khiến nghề phiên dịch trở nên đặc biệt, trong đó có sứ mệnh phục vụ lãnh đạo cấp cao nhất và thực hiện khâu cuối cùng trong hoạt động đối ngoại, sau các phần chuẩn bị nội dung, phân tích, báo cáo, thống nhất chiều hướng và kế hoạch với đối tác, đối phương. Có lẽ vì là khâu cuối cùng nên phiên dịch có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm cho phần chuẩn bị trở nên thuyết phục nhất có thể, giúp lãnh đạo có thể nắm được đúng nhất tinh thần, thái độ, ý muốn, đề xuất, thậm chí là những sắc thái cá nhân của phía bên kia. Công việc của người phiên dịch rất “nổi” song lại cũng rất âm thầm!

 

Theo ông Đàm, người phiên dịch phải luôn ý thức được mình là cán bộ ngoại giao làm công tác phiên dịch, phải nhìn nghề của mình dưới góc độ ngoại giao, đồng thời phải có chất riêng để đủ nhanh nhạy nắm được cái mới, cái khác so với những gì mình chuẩn bị mà vẫn tập trung tốt vào những gì đang diễn ra trong mỗi cuộc dịch...

 


Phiên dịch chỉ là người giỏi ngoại ngữ! Đó là cách hiểu đương nhiên của những người ngoại đạo khi định nghĩa về nghề phiên dịch. Tuy vậy, với ông Đàm, quan điểm đó không hẳn đúng. Ngoại ngữ giỏi không làm nên người phiên dịch giỏi, đó chỉ là yếu tố điều kiện và chưa chắc là yếu tố quan trọng nhất.“Khi nhập cuộc, người phiên dịch phải ý thức được vai trò của mình là người phiên dịch, làm một công việc quan trọng nhưng không phải là người quan trọng. Ở một khía cạnh nào đó, người phiên dịch giống như một kỹ thuật viên nhưng ở một góc độ khác lại làm một công việc vô cùng lớn lao bởi mỗi ngôn từ đưa ra, giọng điệu, nét mặt biểu đạt cũng góp phần vào thành bại của cuộc nói chuyện đó. Người phiên dịch, nếu hoàn thành công việc của mình một cách hoàn hảo thì lúc đó họ giống như không hề tồn tại, họ tan đi giống như nước, không khí, chẳng hình thái cũng chẳng màu sắc hay mùi vị. Khi ấy, hai bên nguyên thủ, hai đối tác hay đối phương có thể nói chuyện với nhau, hiểu nhau như không có bất kỳ một nhịp cầu trung gian nào nữa. Tuy nhiên, không phải cuộc dịch nào cũng hoàn hảo, cũng có những khi chẳng thể ‘bay’, chẳng thể ‘tan’ được, phải chật vật tìm ra mạch và thông điệp của người nói”, ông Đàm lý giải cho câu nói mà bất cứ “dân” phiên dịch nào cũng thấm “chỉ có cuộc dịch tốt chứ không có người phiên dịch tốt”.

Những người sống ở đường biên này, không quên ngày hôm qua nhưng vẫn nhận thức được ngày hôm nay; nhớ như in thời chiến nhưng biết trân trọng thời bình; và cùng một gương mặt, họ luôn biết khi nào coi là thù, lúc nào, cần là bạn.

Một phiên dịch lão luyện phải là người biết biến những điều phức tạp thành đơn giản, khó hiểu thành dễ hiểu, những cái kỹ thuật thành phi kỹ thuật mà người không phải trong nghề cũng hiểu được. Người phiên dịch giỏi sẽ không bao giờ bị “chết” ở điểm vấp về mặt ngôn ngữ, chắc chắn họ sẽ không vấp, họ có thể truyền tải được thông điệp mà không nhất thiết phải bám vào phương ngữ, thuật ngữ của người nói; có thể vượt qua những lắt léo về ngôn ngữ để hiểu thẳng ý, hoặc bám vào những ngôn ngữ đó để khéo léo đưa ra được thông điệp.

Ông Đàm luôn tâm niệm rằng, nghề khó là nghề thầy đi tìm trò và nghề dễ là nghề trò đi thầy. Nghề phiên dịch có lẽ cũng là một nghề khó. Trong cuộc dịch, có những người chỉ có thể hiểu được vấn đề nông nông ở bề mặt mà không thể theo được mạch logic khi vấn đề trở nên phức tạp, sâu dần theo các cấp độ và người nói có tư duy, cách diễn đạt phức tạp. Làm được phiên dịch giỏi, vì vậy cũng rất cần một “chất” riêng. Phải tìm ra những người như vậy để kéo họ vào đội ngũ phiên dịch ngoại giao.

 

Hơn 20 năm làm việc trong Bộ Ngoại giao với phần lớn thời gian gắn bó với công tác phiên dịch, từ vị trí chuyên viên cho tới quản lý, chẳng thể biết đã trải qua biết bao cuộc dịch, không ít lần “tan” và “bay” với nghề nhưng cũng chẳng thiếu những lần nuối tiếc, sâu cay… ngần ấy điều với ông Đàm được gói trong một chữ “duyên”.

Trong kỳ tuyển dụng của Bộ Ngoại giao năm 1996, Đại sứ Phạm Sanh Châu muốn “săn” người có tố chất phiên dịch và gửi gắm nguyện vọng đó tới những người tham gia công tác tuyển dụng ngày ấy như Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Sỹ Sung, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Hoàng Vĩnh Thành và một người nữa ông không nhớ chắc.

Từng lăn lộn ở một số nơi với nhiều công việc khác nhau, ông Đàm chưa có kinh nghiệm làm phiên dịch vào thời điểm đó. Thế nhưng, ông đã lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng, Đại sứ Phạm Sanh Châu và bén duyên với nghề dịch càng làm ông càng mê, càng say.

Với ông Đàm, nghề dịch giống như cuộc sống của ông mỗi ngày, được làm việc trong môi trường dịch với ông giản đơn như cá được bơi trong nước, chim được tung cánh bay trên bầu trời bình yên, là thứ hạnh phúc bình dị vốn chẳng thể gọi tên, cùng ông đi qua những tháng năm của sự nghiệp và cuộc đời! Cũng có lúc ông muốn thử sức ở một đơn vị khác, nhưng rồi cái duyên vẫn kéo ông lại, và ông lại yêu nghề như thuở ban đầu.

Các “chiêu” trong dịch thuật được ông đàm tích lũy từng ngày, và kế thừa, học hỏi từ những tiền bối như Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú hay Đại sứ Nguyễn Trung Thành… nhưng quan trọng hơn cả, việc sống với nghề một cách chân thành và say mê đã giúp ông lớn lên, trưởng thành và “chín” cùng với nó.

Nghề dịch thực sự là nghề của những người sống trong khoảnh khắc, có những khoảnh khắc khiến họ “bay” nhưng cũng có những khoảnh khắc khiến họ dằn vặt vì nếu có cơ hội được làm lại, họ sẽ làm tốt hơn. Ông Đàm kể, trong sự nghiệp phiên dịch của mình, có những cuộc dịch ông không nghĩ mình có thể vượt qua nhưng cuối cùng đã có thể làm được một cách trọn vẹn.

Đó có thể kể đến là cuộc dịch cho cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhân chuyến thăm Việt Nam năm 1998 và gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải. “Lúc đó, anh Châu có nói với tôi rằng: Ông Lý Quang Diệu nói rất khó, nội dung kỹ, rất sâu về tài chính, Đàm không dịch được”. Do vậy, ông Đàm đi dịch với tư cách vai phụ và được phân công dịch đoạn xã giao khi có mặt các nhà báo. Khi rút vào làm việc nội dung, cán bộ có thâm niên sẽ dịch. Thế nhưng, hai nhà lãnh đạo đã không đổi địa điểm, ngay sau khi các nhà báo rút ra ngoài họ bắt đầu luôn vào trao đổi và ông Lý Quang Diệu bắt đầu đề cập những vấn đề tài chính.

“Bao trùm trong tôi là hoảng”, thứ lo lắng bất an của một phiên dịch mới vào nghề hơn một năm trước một thử thách lớn mà ngay cả bậc tiền bối của mình trước đó còn gặp khó. “Tôi muốn chạy, nhưng cuối cùng vẫn quyết dịch tiếp. Không ngờ đó lại là cuộc dịch thành công, đánh dấu một mốc trưởng thành trong nghề”, ông Đàm say sưa kể về cuộc dịch mà ông không thể quên.

Cũng đã nhiều năm qua đi nhưng ông Đàm vẫn nhớ y nguyên câu hỏi của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: “Cậu dịch trả lời phỏng vấn bao giờ chưa, cậu có chắc dịch được không. Báo chí sẽ trích những gì cậu dịch”. Chàng trai phiên dịch mới chưa đầy năm trong nghề đã hoàn thành tốt cuộc dịch và nhận được lời khen ngợi từ Phó Thủ tướng. Có thoáng lo sợ, nhưng trấn tĩnh lại sau khi được Thứ trưởng Tô Anh Dũng, lúc ấy là Thư ký Phó Thủ tướng làm công tác tư tưởng: “Chú nói thế thôi, không khó đâu, em cứ bình tĩnh dịch”.

Với ông Đàm, nghề dịch không có “đỉnh”, do vậy, người làm dịch càng không thể tự mãn với chính mình bởi cuộc dịch nào cũng có thể làm tốt hơn. Năng khiếu cho người dịch sự tỏa sáng ban đầu nhưng nếu không bền bỉ và kiên trì thì rất dễ vấp và đi xuống. Năng khiếu mở ra cho người phiên dịch cánh cửa để đi tiếp với nghề nhưng nếu ko tự trau dồi rất dễ bị hụt hơi.

Cho đi sẽ được nhận lại, “đầu tư” cho nghề cũng sẽ được nghề cho lại rất nhiều, đâu đó cũng là quy luật của cuộc sống! Đây cũng chính là tâm tư ông muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ làm phiên dịch những người sẽ tiếp bước mạch nguồn của nghề trong 75 năm qua.

baoquocte.vn

Tin khác

Ngôn ngữ của dáng diệu (13/02/2020 13:59)

Các quy tắc nghiệp vụ cho lễ tân ngoại giao (08/11/2019 09:39)

Lễ tân ngoại giao: Sai 1 li sẽ đi… 10 dặm (16/04/2019 08:07)

“Ngoại giao tặng hoa” cho nguyên thủ quốc gia (16/04/2019 08:05)

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Câu chuyện chưa kể của lễ tân Ngoại giao (08/03/2019 23:28)

Đàm phán Ngoại giao ngay trên hè phố (01/01/2019 22:53)

Nâng tầm ngoại giao văn hóa (13/08/2018 15:04)

Vai trò của lễ tân ngoại giao (21/03/2018 10:16)

Tìm lại những thực đơn nổi tiếng (04/05/2016 10:47)

Lễ tân ngoại giao: Đúng “bài” nhưng phải linh hoạt (16/03/2016 14:15)

xem tiếp