Thứ tư Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

DV Quà tặng đối ngoại

Gửi Email In trang Lưu
Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương

20/12/2023 07:23

Nhiều nội dung thiết thực đã được các diễn giả trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận với chủ đề "Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương".

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận "Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương". (Ảnh: Anh Sơn)

 Phiên thảo luận có sự tham gia điều hành của Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Trần Thị Thu Thìn và các diễn giả gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài; Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; Cục trưởng, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Nguyễn Như Hiếu.

Phát triển kinh tế-xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, trong thời gian vừa qua, liên tiếp có những nhà đầu tư cam kết đầu tư số vốn lớn vào tỉnh là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đã và đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng.

Đơn cử như Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 nhà máy sản xuất thép xanh (sử dụng khí gas và hydro để hoàn nguyên thép) với tổng vốn đăng ký gần 100 nghìn tỷ đồng; dự án của Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn Sunrise Material phát triển Dự án sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm đồ gia dụng cao cấp với tổng mức đầu tư 42 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận...

Để đạt được kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, phải nói đến tư duy đột phá trong thu hút đầu tư nhằm tạo xung lực mới cho sự bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định hạ tầng phải đi trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Nam Định đã tập trung huy động các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng.

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Về nguồn nhân lực, tỉnh có dân số gần 2 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Nam Định nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhằm phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học và hướng tới mục tiêu hình thành cung cấp nguồn nhân lực tốt cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng chủ động kết nối, tìm kiếm đối tác. Trên cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, các đối tác tiềm năng trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Xác định thủ tục hành chính là một trong những yếu tố then chốt được nhà đầu tư quan tâm,

Nam Định đã xác định, phát triển kinh tế - xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại. Đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh trong thu hút đầu tư công nghệ, tri thức, du lịch, các nguồn lực khác phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

“Tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các Bộ, ban, ngành Trung ương và sự phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương, để Nam Định tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới”, ông Trần Lê Đoài đề xuất.

Cần trọng tâm xúc tiến, trọng điểm đối tác, chuyên nghiệp tổ chức

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư của nước ta đã thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với sự biến động kinh tế thế giới hiện nay, hoạt động này còn có hạn chế.

Đại sứ Thảo nói: “Là người bám sát địa bàn, tôi nhận thức rõ nét sự trăn trở, tâm huyết của các lãnh đạo địa phương trong việc làm thế nào để đổi mới, công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động này”.

Về sự phối hợp giữa Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và địa phương trong xúc tiến thương mại đầu tư, Đại sứ Thảo nhấn mạnh, cần trả lời được 3 câu hỏi: Xúc tiến cái gì, xúc tiến với ai và xúc tiến như thế nào?

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư của nước ta đã thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: Anh Sơn)

Theo Đại sứ, hiện nay, để xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả, các địa phương cần xác định lựa chọn những sản phẩm ưu thế của mình. Cần xây dựng dữ liệu xúc tiến quảng bá trên cơ sở phát triển kinh tế địa phương và có sự tham khảo các Cơ quan đại diện.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác. Có thể đối tác hiện chưa có nhu cầu, nhưng vẫn xây dựng dữ liệu và coi đó là đối tượng để có kế hoạch tiếp xúc. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần tìm hiểu để ra lợi thế cạnh tranh của địa phương để tập trung thúc đẩy hợp tác.

“Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp với địa phương trong việc xác định xúc tiến gì và xúc tiến như thế nào”, Đại sứ Thảo khẳng định.

Gợi mở cho các địa phương để tăng cường hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư, Đại sứ nói: “Về công tác chuẩn bị, đây là hoạt động hết sức quan trọng, có tính quyết định đối với hiệu quả xúc tiến thương mại. Cần chuẩn bị đúng nội dung xúc tiến, phù hợp đối tác, tránh dùng “1 bài” cho mọi đối tác. Sự chuẩn bị cần thể hiện chuyên nghiệp, có tiếng Anh, những bài trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin”.

Đại sứ Thảo cho rằng, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức, có thể kết hợp với các sự kiện lớn của thế giới, của sở tại hoặc tổ chức riêng để tăng hiệu quả sự liên kết, giảm chi phí, và đặc biệt quan trọng là mời doanh nghiệp có nhu cầu tham gia”.

Ngoài ra, sau khi xúc tiến thương mại đầu tư, các địa phương cần giữ kết nối với đối tác, có chương trình kế hoạch dài hạn. Chính quyền địa phương cũng cần bám sát, thường xuyên kiểm điểm tình hình triển khai để kịp thời xử lý các vướng mắc.

“Tóm lại, cần trọng tâm xúc tiến, trọng điểm đối tác, chuyên nghiệp tổ chức”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.

7 giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân đã chia sẻ một số giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới do UNESCO ghi danh:

Một là, cần có cách tiếp cận toàn diện và tổng thể về văn hóa và di sản. Ủy ban Quốc gia UNESCO của Vương quốc Anh nhấn mạnh đến cách tiếp cận “đa chiều, đa tầng nấc, đa phương diện và đa mục tiêu” để các di sản phát huy được đầy đủ giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường.

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân. (Ảnh: Anh Sơn)

Hội nghị Naples về di sản văn hóa trong thế kỷ 21 (Naples, Italy, 11/2023) đã nhất trí xu thế hợp tác về gắn kết giữa di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể, di sản và sáng tạo. Cần có cách tiếp cận cân bằng và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản, chuyển hướng tiếp cận từ bảo tồn di sản vật chất sang tiếp cận toàn diện, bền vững và dựa trên giá trị nhiều hơn.

Hai là, cần lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững vào chính sách văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn bảo tồn di sản với chính sách phát triển bền vững ở địa phương, quốc gia. Việc xây dựng Bộ chỉ số văn hóa gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam được chọn triển khai thí điểm là hướng đi đúng.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá rất cao kế hoạch xây dựng "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" là khung tổng thể quan trọng định hướng cho phát triển văn hóa, di sản trong bối cảnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Các địa phương có danh hiệu, di sản cân nhắc có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, tận dụng hiệu quả các di sản, theo tiêu chí đánh giá cụ thể về đóng góp của văn hóa, di sản cho phát triển bền vững. Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa với tầm nhìn đến 2045 của Hà Nội được UNESCO hoan nghênh.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của bộ máy quản lý tại các cơ quan liên quan ở trung ương, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với cộng đồng.

Bên cạnh cơ quan trực tiếp quản lý di sản được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và kinh phí, cần có các Ủy ban/Hội đồng tư vấn bảo tồn di sản tập trung thành viên của các bên liên quan nhằm phát huy công sức, trí tuệ, sáng kiến của các thành viên trong quản lý, bảo tồn di sản (ví dụ như Ủy ban Cố vấn khoa học, Ủy ban địa phương Di sản thiên nhiên thế giới Jeju – Hàn Quốc, Hội đồng Di sản thế giới Khu lăng mộ Mozu-Furuichi của Nhật Bản).

Đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý di sản có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, Kế hoạch quản lý du khách, đặc biệt những di sản có số lượng khách tham quan hàng năm cao để có phương án hạn chế, kéo giãn khách du lịch không tập trung ở những điểm tham quan chính. Nghiêm chỉnh thực thi các chính sách, hành động đã cam kết trong Kế hoạch quản lý di sản để bảo đảm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Đặc biệt lưu ý tuân thủ các quy định nhất là Đoạn 172 trong Hướng dẫn thực thi Công ước liên quan đến các dự án triển khai mới (cần triển khai các báo cáo đánh giá tác động di sản, báo cáo đánh gái tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và thông báo trước cho Trung tâm Di sản thế giới trước khi tiến hành), để tránh bị đưa ra khỏi Danh sách di sản thế giới.

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Các diễn giả tham gia thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Bốn là, đề cao vai trò then chốt của cộng đồng dân cư với tư cách là người sở hữu, thực hành, trao truyền, thụ hưởng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng phải có hiểu biết đầy đủ, để trở thành cộng đồng thông minh, có kiến thức trong lĩnh vực này. Cần chú trọng nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giữa các cộng đồng địa phương, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hành, quản lý.

Năm là, chú trọng giáo dục di sản, nhất là cho thanh niên và thế hệ trẻ, để nâng cao nhận thức về vai trò, giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa và di sản, thông qua các hình thức phong phú, sáng tạo như giáo trình đào tạo các cấp, tham quan, các kênh truyền thông xã hội, tờ rơi giới thiệu….

Sáu là, tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, kết nối các di sản, các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Có thể cân nhắc kết nối ở từng tỉnh thành, địa phương để tạo sức mạnh tổng thể, ví dụ: Huế - Một điểm đến năm di sản; hay Hà Nội vừa là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo gắn với Di sản thế giới Hoàng thành – Thăng Long.

Nhiều quốc gia, khu vực tăng cường kết nối theo danh hiệu để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường kết nối du lịch. Ví dụ: Hành trình di sản châu Âu (con đường di sản kết nối du lịch giữa các khu di sản thế giới ở châu Âu rất thành công), Mạng lưới các khu di sản lớn của Pháp (tập hợp 51 di sản thế giới của Pháp để cùng trao đổi kinh nghiệm, điển hình tốt trong bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch). Vương quốc Anh và Canada tăng cường kết nối các khu dự trữ sinh quyển, công viện địa chất toàn cầu, di sản thế giới hình thành các mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững; chia sẻ kinh nghiệm, phát huy giá trị.

Bảy là, chú trọng công tác thông tin, truyền thông, trong đó lưu ý ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới. Báo chí, truyền thông đại chúng là công cụ hữu hiệu trong việc tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện tích cực, đồng thời điều chỉnh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa di sản, vi phạm các thuần phong, mỹ tục…

"Nhiều quốc gia sử dụng các tài khoản xã hội như facebook, twitter, instagram… xây dựng bảo tàng số, tour tham quan ảo, xây dựng thông tin và gắn mã QR code, ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone với nhiều ngôn ngữ, sử dụng nghệ thuật thị giác đương đại… để giới thiệu về di sản, hiệu quả tuyên truyền cao", Đại sứ Lê Thị Hồng Vân gợi ý.

Hướng đi mới trong hoạt động kết nghĩa/hợp tác địa phương

Nhận định về kênh hợp tác địa phương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, đây là một kênh hợp tác đặc biệt, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp. Hợp tác này được khởi đầu vào năm 1989 với việc thiết lập quan hệ đối tác giữa Hà Nội và vùng Ile de France.

Đến nay, có khoảng trên 33 tỉnh/thành Việt Nam có hợp tác với 24 địa phương của Pháp và đã triển khai khoảng 55 dự án, thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, khi hoạt động trao đổi đoàn được dần nối lại, Đại sứ quán đã đón gần 30 đoàn địa phương (12 đoàn năm 2022, 15 đoàn năm 2023).

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng trao đổi về kênh hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Pháp. (Ảnh: Anh Sơn)

Từ thực tiễn triển khai kết nối hợp tác địa phương trong thời gian qua, Đại sứ Đinh Toàn Thắng có một số điểm cần lưu ý như: Việt Nam và Pháp có khác biệt về phân cấp hành chính và do đó phạm vi và mức độ thẩm quyền trong các lĩnh vực giữa địa phương của Việt Nam và Pháp có khác biệt. Điều kiện và nguồn lực nói chung của các địa phương hai nước có nhiều thay đổi so với trước đây, cùng với các nhu cầu và ưu tiên chính sách hợp tác đang có nhiều chuyển biến cần chú ý.

Bên cạnh đó, do thay đổi của bối cảnh và tình hình, cách tiếp cận về hợp tác/kết nghĩa của các địa phương Pháp cũng có thay đổi theo hướng thực tế và thực chất, phù hợp với mục tiêu cụ thể của các địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, hình thức kết nghĩa vì đoàn kết hữu nghị không còn được các địa phương Pháp mong muốn thúc đẩy, mà phải có lĩnh vực, dự án và chương trình hợp tác cụ thể.

Trên cơ sở nhận thức về nhiệm vụ và mục tiêu thúc đẩy hợp tác của các địa phương Việt Nam với các địa phương Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng kiến nghị một số hướng đi trong thời gian tới như:

Các địa phương khi triển khai tìm kiếm đối tác để thiết lập quan hệ cần xác định rõ và cụ thể mục tiêu, lĩnh vực và nội dung (dự án, lộ trình…) hợp tác; xác định rõ thế mạnh của địa phương mình có thể hợp tác với đối tác trên cơ sở tương ứng và tương tác với địa phương bạn, hạn chế suy nghĩ chỉ dừng lại ta nhận được gì hỗ trợ từ bạn hoặc lại đưa ra các dự án vượt quá khả năng của địa phương Pháp.

Trong duy trì và mở rộng hợp tác với địa phương Pháp, cần tranh thủ vai trò các doanh nghiệp, hiệp hội của cả Việt Nam và Pháp, thậm chí cả các cá nhân nòng cốt...cùng tham gia hỗ trợ thúc đẩy hợp tác.

Đồng thời, tăng cường tiếp cận, tham vấn và kết nối với một số đối tác, tổ chức đang can dự khá nhiều vào hợp tác địa phương như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hay các hiệp hội địa phương.

Bên cạnh đó, cần định hướng nội dung, lĩnh vực tiến tới thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương Pháp theo các chủ đề mà các địa phương Pháp đang quan tâm.

Ngoài ra, cần tăng cường tham khảo một số kinh nghiệm cụ thể từ thực tế như việc xây dựng và phát triển mô hình văn phòng đại diện để nâng cao hiệu quả hợp tác; nghiên cứu hình thành cơ chế điều phối chung của các địa phương, theo vùng hoặc rộng hơn để phối hợp nguồn lực trong hợp tác, cũng như phục vụ việc chia sẻ thông tin.

Cơ quan đại diện sẵn sàng đồng hành cùng địa phương

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nêu các kiến nghị giải pháp để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước.

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nêu các kiến nghị giải pháp để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. (Ảnh: Anh Sơn)

Theo Đại sứ, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của địa phương cần xây dựng kế hoạch/đề án cụ thể về quy hoạch phát triển của địa phương, xác định nhu cầu hợp tác cụ thể, chủ động xây dựng cơ chế đãi ngộ và trọng dụng phù hợp.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nhân, chuyên gia trí thức kiều bào, tập trung vào những hội đoàn đồng hương của địa phương, chọn cử cá nhân kiều bào có năng lực, hiểu biết và uy tín làm đại diện của địa phương ở sở tại.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước.

“Các Cơ quan đại diện sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm và kết nối với mạng lưới chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào theo chủ trương và yêu cầu cụ thể của địa phương, doanh nghiệp”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.

Cam kết hỗ trợ địa phương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại

Theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”, nhằm góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương luôn được xác định là một trong những trọng tâm “phục vụ” của Bộ Ngoại giao.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao đang chủ động, tích cực triển khai công tác này theo ba hình thức chính: chủ trì tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức, viên chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2021-2025, Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng theo đặt bài riêng; chủ trì, phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức khoá nâng cao năng lực theo chuyên đề.

(Trực tuyến) Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ  phát triển bền vững của các địa phương
Theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương luôn được xác định là một trong những trọng tâm “phục vụ” của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn)

Tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu cũng đề xuất một số giải pháp, hàm ý chính sách để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương.

Thứ nhất, để đào tạo đúng, trúng đối tượng trực tiếp làm công tác đối ngoại tại địa phương, đề nghị các địa phương xem việc tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao đối với cán bộ làm công tác đối ngoại như một nhiệm vụ chính trị quan trọng, xem xét các tín chỉ đào tạo và tính vào đánh giá xếp loại hàng năm.

Thứ hai, đề nghị các cơ quan ngoại vụ địa phương, trong vai trò đầu mối, giúp chúng tôi chuyển các văn bản chiêu sinh các lớp/khoá bồi dưỡng do Bộ Ngoại giao chủ trì đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tất cả các đồng nghiệp đang làm công tác đối ngoại trong các ngành khác nhau có cơ hội tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới.

Thứ ba, trên cơ sở rà soát, đánh giá quá trình hội nhập quốc tế tại các bộ, ngành, địa phương thời gian qua; tham khảo, liên hệ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Cục Ngoại vụ đánh giá có một số giải pháp:

Một là, Bộ Ngoại giao cử cán bộ tới công tác tại các UBND tỉnh, thành phố để hỗ trợ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương theo cơ chế biệt phái/cố vấn (cán bộ do Bộ Ngoại giao trả lương, phụ cấp; địa phương thu xếp chỗ ở, địa điểm và phương tiện làm việc cho cán bộ; thời gian biệt phái/cố vấn linh hoạt, do Bộ Ngoại giao và địa phương trao đổi, thống nhất); luân chuyển (cán bộ chuyển về công tác tại địa phương trong thời gian từ 1-3 năm; hưởng lương, phụ cấp, chi phí sinh hoạt, nhà công vụ… do địa phương bố trí); mạng lưới cộng tác viên/hỗ trợ từ xa (hiện nay Cục Ngoại vụ đang tiến hành).

Cán bộ được cử về địa phương có thể có trình độ cao cấp (từng giữ chức vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền hoặc Tổng Lãnh sự, từng được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp Cục, Vụ) hoặc trung cấp (từng công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; từng được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp Phòng hoặc tương đương)

Hai là, địa phương xem xét cử cán bộ ngoại vụ tham gia làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao theo cơ chế thực tập/thực sự trong thời hạn 3-6 tháng.

Ba là, cử cán bộ ngoại vụ của địa phương biên giới đi công tác nhiệm kỳ ở Cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia giáp biên tương ứng.

Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu cho rằng, việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra những đòi hỏi rất cao, đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và được trang bị kỹ năng toàn diện; tổ chức, bộ máy hiện đại, khoa học; phương thức vận hành của tổ chức và các quy trình xây dựng và thực thi chính sách hiệu quả, hiện đại; cơ sở vật chất hiện đại, tiện ích với hạ tầng công nghệ thông tin thân thiện, hiện đại.

“Để hiện đại hoá ngành Ngoại giao thì cần có sự cải tiến, đổi mới, nâng cấp đồng bộ của cả 4 thành tố này. Trong đó yếu tố đội ngũ cán bộ ngoại giao mang tính then chốt bởi lẽ con người không chỉ là một trong bốn trụ cột mà còn là chủ thể của các trụ cột khác và là chủ thể kiến tạo nền ngoại giao hiện đại

Với phương châm lấy địa phương làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao xin cam kết với các địa phương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần phụng sự, phụng sự, đồng hành, hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương”, Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu khẳng định.

Báo Thế giới & Việt Nam

Tin khác

Quà tặng ngoại giao: Việt Nam tặng quà gì cho thế giới? (03/09/2020 08:53)

xem tiếp