Thứ tư Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Tin khác

Gửi Email In trang Lưu
Sự kiện lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt-Trung

15/01/2009 12:25

Ngày 31/12/2008 tại Hà Nội, hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thoả thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhân sự kiện trọng đại này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có bài viết phân tích ý nghĩa lớn lao của sự kiện trọng đại này, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc

Sau gần 8 năm đàm phán và triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa, ngày 31/12/2008 tại Hà Nội, hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thoả thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung, thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước XHCN giải quyết hoà bình, công bằng các vấn đề do lịch sử để lại, có tính đến lợi ích của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế và Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt – Trung năm 1999, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hoà bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý được hai bên thống nhất và trên thực địa, có giá trị trường tồn với hai quốc gia, tạo điều kiện tăng cường giao lưu hữu nghị và phát triển hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... giữa hai nước.

Ngược dòng thời gian hơn một trăm năm trước, thực dân Pháp – khi đó đang cai trị nước ta - và Triều đình nhà Thanh - Trung Quốc đã ký các Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ với Trung Quốc năm 1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới năm 1895. Với những thay đổi của lịch sử và tác động của thiên nhiên, con người và chiến tranh, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hơn một trăm năm qua đã có nhiều biến động phức tạp. Một số mốc giới đã bị mất, bị hủy hoại, hoặc bị dịch chuyển... gây ra nhận thức khác nhau về đường biên giới ở một số khu vực, dẫn đến tranh chấp. Tình hình đó đặt ra yêu cầu xác định lại rõ ràng, cụ thể đường biên giới pháp lý này với một hệ thống mốc giới hiện đại, bền vững.

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ, Chính phủ hai nước đã thống nhất đàm phán giải quyết vấn đề tồn tại về biên giới trên đất liền theo nguyên tắc tôn trọng đường biên giới đã được hoạch định bởi các Công ước 1887 và 1895 do Chính phủ Pháp và nhà Thanh ký, và đã được phía Việt Nam và Trung Quốc đồng ý chấp nhận.

Kết thúc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông (trong đó có 344 km đường biên giới đi theo 21 sông, suối chính), hai bên đã cắm được gần 2.000 cột mốc trong đó có hơn 1.500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ. Các chốt quân sự trên đường biên giới đều đã được dỡ bỏ. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn:

- Thứ nhất, việc hoàn thành phân giới cắm mốc góp phần xây dựng một đường biên giới hoàn chỉnh, chính quy, hiện đại và bền vững; tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác; tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới sau này. Điều đó có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được hai vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ, đó là xác định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định ký năm 2000).

- Thứ ba, đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên; là cơ hội mới để mở rộng giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại... giữa hai nước, đặc biệt là các địa phương hai bên đường biên. Ngay sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, ngày 2/1/2009, tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Ninh đã được đưa vào hoạt động.

Kết quả trên có được trước hết là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai Nhà nước; những nỗ lực không mệt mỏi của hai Đoàn đàm phán cấp Chính phủ; sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng phân giới cắm mốc thuộc các Bộ, ngành, địa phương và đông đảo đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới của chúng ta đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để bảo đảm tiến độ phân giới cắm mốc. Đó cũng là sự hội tụ công lao, đóng góp của nhiều thế hệ đi trước, sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; là thành quả của tinh thần độc lập tự chủ, nắm vững và vận dụng hiệu quả luật pháp quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm giải quyết hoà bình các tranh chấp về biên giới lãnh thổ của các nước khác...

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng to lớn của các lực lượng tham gia phân giới cắm mốc, trong đó có cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh biên giới, vượt qua bao gian lao, vất vả trong những năm qua. Sự quan tâm và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với công tác biên giới lãnh thổ của Tổ quốc nói chung và phân giới cắm mốc nói riêng cũng có tác dụng động viên to lớn để làm nên sự kiện lịch sử trọng đại này.

Trong thời gian tới, hai bên cần sớm hoàn chỉnh nội dung để ký trong năm 2009 Nghị định thư về phân giới cắm mốc và các phụ lục kèm theo; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới mới, Hiệp định quản lý các cửa khẩu quốc tế và các văn kiện liên quan khác nhằm đưa Hiệp định Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đi vào cuộc sống. Hai bên cũng sẽ xem xét hợp tác khai thác tiềm năng du lịch Thác Bản Giốc và ký Thoả thuận cấp Chính phủ về vấn đề này; thảo luận và ký một thoả thuận cấp Chính phủ về việc thiết lập khu vực tự do đi lại cho tàu thuyền của cư dân biên giới tại khu vực cửa sông Bắc Luân. Với nỗ lực và quyết tâm chung của hai bên, đường biên giới đất liền Việt-Trung sẽ thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, và hợp tác, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước của cả hai dân tộc./.

Phương Thuận

Tin khác

Phát hiện thuỷ hợp chất mới trên sao Hoả (30/10/2008 17:35)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: Chuyến thăm góp phần đưa quan hệ Việt- Trung bước vào một giai đoạn phát triển mới và đóng góp tích cực cho sự hợp tác Á - Âu (26/10/2008 17:27)

Gần 65.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (17/10/2008 11:09)

Bắc Kinh cấm ô tô theo biển số (13/10/2008 16:06)

Chuyện “sở thú... người” ở Thái Lan (13/10/2008 15:24)

Chúc mừng phi công Trung Quốc ra ngoài khoảng không (30/09/2008 15:47)

Lần đầu tiên người Trung Quốc bước ra không gian (29/09/2008 15:26)

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang tham dự Chợ công nghệ và thiết bị Việt-Trung tại Lạng Sơn (04/09/2008 15:35)

Truy tặng Huân chương cao quý cho cán bộ lãnh đạo ngành Ngoại giao (16/08/2008 15:34)

sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang tổ chức buổi Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS (15/08/2008 14:27)

xem tiếp