Thứ sáu Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Quản lý Biên giới

Gửi Email In trang Lưu
Công tác quản lý và giải quyết vấn đề lao động qua biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang

30/09/2015 09:30

(Website SNgVHG) - Được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, đời sống của đồng bào đã từng bước được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm được Tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, Việt Nam và châu Văn Sơn, Trung Quốc ký kết thỏa thuận - Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, do đặc thù vùng cao biên giới, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, trong khi nhu cầu việc làm tại chỗ của người dân ngày một lớn. Từ năm 2011 đến nay, tình trạng lao động Hà Giang vượt biên sang Trung Quốc làm thuê ngày càng phổ biến, diễn biến phức tạp, đặc biệt là lao động từ các huyện biên giới vượt biên sang làm thuê tại các cơ sở sản xuất, làm nông lâm nghiệp… thời gian dài, có các đường dây môi giới tổ chức, có xu hướng ngày càng tăng. Thống kê năm 2011 số lao động tự do của Hà Giang sang Trung Quốc làm việc là 6.170 lượt người; Năm 2012 là 11.898 lượt người; năm 2013 là 15.083 lượt. Người lao động độ tuổi giao động từ  20 đến 30 tuổi, sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là vượt biên trái phép, không thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh, không qua cửa khẩu theo quy định...

Qua tìm hiểu, công việc phía Trung Quốc thuê chủ yếu là làm nông lâm nghiệp đơn giản, không yêu cầu có kinh nghiệm, tay nghề cao, có nhu cầu sử dụng nhiều lao động phổ thông, thu nhập tương đối cao, phù hợp với điều kiện người lao động ở khu vực nông thôn thời gian nông nhàn, đặc biệt là đối với dân cư khu vực biên giới. Tuy nhiên, việc sang Trung Quốc qua con đường tự do, không được các tổ chức chính trị xã hội bảo vệ (không được cấp phép, không thực hiện việc đăng ký với cơ quan quản lý hai bên, qua biên giới không giấy tờ xuất nhập cảnh), dẫn đến người lao động dễ bị xâm hại (bị quỵt tiền công, bị đuổi về qua đường mòn, bị tai nạn lao động không được bảo vệ quyền lợi, bị chết không được bồi thường…) ảnh hưởng an ninh trật tự khu vực biên giới, quan hệ hữu nghị giữa hai bên.

Trước thực trạng đó trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang quan tâm, chỉ đạo sát sao việc giải quyết tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh tự do sang Trung Quốc làm thuê trái phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, thống kê, nắm nhu cầu, số lượng, đối tượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ngay từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy thông hành qua biên giới khi nhân dân có nhu cầu; Đầu tư phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ, đặc biệt là lao động vùng giáp biên; tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở các tỉnh trong nước và nước ngoài theo chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ngoài tỉnh; thực hiện các biện pháp quản lý, hỗ trợ và tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho người lao động; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép qua hai bên cửa khẩu, đặc biệt là công dân nội địa, đề xuất biện pháp giải quyết với Trung ương; trao đổi với chính quyền các địa phương phía Trung Quốc về hợp tác lao động phổ thông khu vực biên giới. 

Tỉnh Hà Giang tích cực đàm phán, trao đổi với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây trong vấn đề lao động phổ thông khu vực biên giới, tại Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc), phía Quảng Tây cho rằng: Chính phủ Hai bên chưa có Hiệp định về lao động, Luật Lao động của Trung Quốc cũng như của Việt Nam chỉ đặt vấn đề lao động nước ngoài với đối tượng chuyên gia, tay nghề cao với tỉ lệ hạn chế, vấn đề hợp tác quản lý lao động phổ thông biên giới chỉ bàn được khi có chỉ đạo từ Trung ương. Tại cuộc họp bên lề chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây – Trung Quốc đều cho rằng, vấn đề lao động biên giới là vấn đề nổi cộm hiện nay cần được hai bên quan tâm phối hợp tìm biện pháp giải quyết. Do đó, cần có sự thống nhất chỉ đạo từ cấp Trung ương của Việt Nam và Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề, Tỉnh Hà Giang đề xuất, báo cáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị với các bộ, ngành và địa phương bàn biện pháp giải quyết. Sau khi Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành có ý kiến chỉ đạo, tỉnh Hà Giang chủ động trao đổi với phía Trung Quốc. Ngày 18/12/2014, tại Phiên họp lần thứ 5 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức tại Hà Giang, Biên bản hợp tác về Quản lý lao động qua biên giới giữa UBND tỉnh Hà Giang và Chính phủ nhân dân Châu Văn Sơn, Trung Quốc được ký kết. Biên bản hợp tác là cơ sở để các cấp các ngành hai tỉnh/châu tham mưu, triển khai công tác quản lý lao động qua biên giới, đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho người lao động, duy trì trật tự trị an khu vực biên giới.

Hai bên thống nhất cơ quan quản lý người lao động phía tỉnh Hà Giang là Sở Lao động thương binh xã hội, phía Trung Quốc giao cho Cục tài nguyên nhân lực và an sinh xã hội châu Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Thỏa thuận quy định phạm vi và số lượng lao động; loại công việc và thời hạn; thủ tục và đường qua lại; giải quyết tranh chấp. Hai bên nhất trí để ngành quản lý lao động hỗ trợ chính quyền hai bên theo dõi thực hiện thỏa thuận này.

Ngay sau khi Thỏa thuận được ký kết, Sở Ngoại vụ với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, là cầu nối, phối hợp với Ngoại sự châu Văn Sơn, Trung Quốc đôn đốc, các cấp, các ngành triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Phối hợp với Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang chủ động, tích cực trao đổi thông tin, tổ chức các buổi hội đàm với Cục tài nguyên nhân lực và an sinh xã hội châu Văn Sơn thống nhất nội dung, thủ tục, tiến độ triển khai… Đến quý III/2015, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng lao động của phía Trung Quốc (01 công ty tại châu Văn Sơn có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động Hà Giang), Trung tâm việc làm tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận thủ tục, tư vấn và hiện nay đã có 103 lao động các huyện đăng ký đợt 1 sang Trung Quốc làm việc theo “Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới”.  Các cấp, các ngành trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy thông hành cho người lao động, xuất, nhập cảnh qua các cặp cửa khẩu, lối mở, đồng thời trao đổi, phối hợp với các ngành Ngoại sự, Công an, Biên phòng châu Văn Sơn để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giấy tờ cho lao động Hà Giang sang Trung Quốc, cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình đưa lao động Hà Giang sang làm việc. Đây là đợt thí điểm đầu tiên đưa lao động Hà Giang sang châu Văn Sơn, Trung Quốc làm việc.

Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các Bộ, Ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành địa phương công tác quản lý lao động qua biên giới của tỉnh Hà Giang sẽ thu được những kết quả tích cực, thí điểm thành công tạo cơ sở để các tỉnh phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc triển khai thực hiện đồng bộ công tác quản lý lao động qua biên giới vì sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ của quốc gia./.
Phương Thuận - NVHG