Thứ năm Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Chuyên đề - Phong trào

Gửi Email In trang Lưu
ASEAN: Chặng đường 53 năm và những thách thức trong tương lai

21/08/2020 07:48

Theo trang The Diplomat, trong suốt 53 năm hoạt động, ASEAN đã gặt hái được những thành quả nhất định song vẫn tiếp tục đương đầu với những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức sau 53 năm hoạt động.

Ngày 8/8 vừa qua, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kỉ niệm 53 năm ngày thành lập (8/8/1967-8/8/2020). Hiệp hội được thành lập vào ngày 8/8/1967 với 5 nước thành viên sáng lập bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Năm 1984 kết nạp thêm Brunei, Việt Nam gia nhập vào năm 1995, Lào cùng Myanmar gia nhập năm 1997 và cuối cùng là Campuchia năm 1999.

Mục đích thành lập ASEAN là nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, hòa bình và ổn định khu vực, tích cực hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong những vấn đề chung của các quốc gia thành viên. Cùng với đó, ASEAN còn tìm kiếm và tạo lập quan hệ hợp tác cùng có lợi với những thể chế khu vực và quốc tế có chung mục tiêu.

Thách thức tiếp nối thách thức

Sau hơn nửa thế kỉ hoạt động, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, được hoan nghênh với vai trò đặc biệt trong thúc đẩy và củng cố nền hòa bình khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, để có thể duy trì vai trò quan trọng trên trường khu vực và quốc tế.

Đầu tiên là những thách thức nội khối. Đó là thách thức về mặt thể chế: Sự thiếu vắng một “người đầu tàu” để vận hành, định hướng cho khối. Bên cạnh đó là việc hiện nay, ASEAN chưa có một thể chế đủ mạnh để đảm bảo cho sự thành công trong việc đưa ra và thực thi những quyết định chung.

Thách thức tiếp theo là sự khác biệt về lợi ích và ưu tiên. Mỗi quốc gia đều đối mặt với những khó khăn kinh tế, chính trị, xã hội riêng. Do đó, mỗi thành viên đều dành phần lớn sự tập trung để giải quyết những vấn đề trong nước hơn là vấn đề chung của khối. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ASEAN.

Thêm vào đó, nội khối ASEAN còn tồn tại những thách thức về sự thay đổi dân số, chênh lệch phát triển về kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề sông Mekong; các mối đe dọa an ninh truyền thống như tranh chấp biên giới, xung đột sắc tộc và an ninh phi truyền thống. Như hiện nay, đại dịch Covid-19 đang khiến cho công việc của ASEAN trở nên khó khăn hơn. Đại dịch gây tổn thất nặng nề đến kinh tế khối và sẽ làm gián đoạn lâu dài các hoạt động, mục tiêu tương lai của ASEAN, đặc biệt là mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025.

Hiện nay, ASEAN đang phải đối phó với những thách thức từ bên ngoài ngày càng gia tăng. ASEAN nói riêng và châu Á nói chung được xem là “mặt trận” chính của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc. ASEAN phải đối mặt với việc cân bằng quan hệ, không quá nghiêng về bên nào trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa 2 cường quốc, dẫn tới ASEAN không thể hướng tới một lập trường chung, thống nhất giữa các quốc gia thành viên.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19, với một Trung Quốc táo bạo hơn và Mỹ cứng rắn, cạnh tranh Mỹ- Trung đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và toàn diện về mọi lĩnh vực. ASEAN đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh chiến lược có thể phá vỡ sự ổn định, phát triển khu vực và ASEAN cũng khó có tiếng nói để hòa giải các bên.

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cũng đang đối mặt trước những đòi hỏi chủ quyền và hành động ngày càng kiên quyết của Trung Quốc trên Biển Đông. Quá trình xúc tiến đàm phán để ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang bị gián đoạn bởi nhiều ràng buộc và sức ép từ các bên. Những thách thức này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới.

Khoảnh khắc lá cờ ASEAN dần được kéo lên và tung bay.

Vượt qua thách thức – Hướng tới tương lai

Theo The Diplomat, trước những thách thức như vậy, ASEAN phải nỗ lực cao để có thể duy trì và thúc đẩy những kết quả đã đạt được trong suốt những năm qua. Mặt khác, khối ASEAN được xem là “chất xúc tác” cho hòa bình, do đó ASEAN cần phải tăng cường sức mạnh, tích cực ủng hộ luật lệ và sự minh bạch tại khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tăng cường hợp tác và liên kết hơn nữa trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực như chênh lệch khoảng cách phát triển, y tế, giáo dục, tiếp nhận công nghệ và phát triển cơ sở vật chất.

Hơn nữa, ASEAN cần tăng cường quản trị, phát triển nội khối bền vững. ASEAN nói chung và các nước lớn trong khối cần chung tay để hỗ trợ các nước kém phát triển hơn bắt kịp trình độ phát triển, nhất là trong các lĩnh vực tri thức và kinh tế số.

Theo The Diplomat, để củng cố sự thống nhất của tổ chức, ASEAN đẩy mạnh hợp tác nội khối, đặc biệt trong vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19 hiện nay. Trong bối cảnh “cơn bão” Covid-19 càn quét, thay vì cô lập trong việc đối phó với đại dịch, các nước thành viên cần tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần nêu cao chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương trong việc hiện thực hóa những mục tiêu quan trọng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

ASEAN cần tăng cường hợp tác và đối thoại cũng như tích cực thúc đẩy sự tham gia của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Australia để giúp khối thực hiện được những mục tiêu, tầm nhìn cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Một vấn đề quan trọng khác. ASEAN cần quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường, trước những hoạt động sản xuất, thương mại để có thể đạt tăng trưởng chung và phát triển bền vững. Thêm vào đó, các thành viên cần thống nhất chung tay để giải quyết vấn đề liên quan đến tiểu vùng sông Mekong và tranh chấp trên Biển Đông.

Cuối cùng, ASEAN cần tiếp tục theo đuổi và củng cố các cơ chế song phương lẫn đa phương. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất và mạnh mẽ, hướng đến tương lai. Trước mắt, ASEAN cần giữ vững, tiếp tục ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, xúc tiến đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương.

baoquocte.vn

Tin khác

Ngoại giao công chúng không 'gặp khó' trước đại dịch Covid-19 (18/08/2020 09:32)

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành Ngoại giao (11/08/2020 07:31)

Ngành đối ngoại đóng góp tích cực trong đổi mới tư duy, phục vụ sự nghiệp Đổi mới (06/08/2020 14:18)

Lễ kỷ niệm trực tuyến 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ tại Washington D.C. (30/07/2020 08:01)

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius: Sống một giấc mơ (22/07/2020 07:54)

Ngành đối ngoại đóng góp tích cực trong đổi mới tư duy, phục vụ sự nghiệp Đổi mới (17/07/2020 08:05)

25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Khoảnh khắc nào quan trọng hơn? (15/07/2020 10:37)

Việt Nam-Hoa Kỳ: 25 năm, một chặng đường (13/07/2020 16:15)

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink: Từ mẩu chuyện 'đời' tới chất keo nối hai đất nước (07/07/2020 13:58)

Diplomatic Affairs: 50 năm tinh hoa ngoại giao Việt Nam (08/06/2020 14:10)

xem tiếp