Thứ sáu Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Tin tức NGOs

Gửi Email In trang Lưu
Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương

20/12/2023 07:25

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, chiều 18/12 diễn ra phiên đối ngoại với chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương".

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc phiên đối ngoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

 Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định đây là một "phiên đặc biệt" với sự quy tụ các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Đại sứ, Trưởng đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo 63 tỉnh, thành, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với góc nhìn đa chiều sâu sắc đó, nữ Thứ trưởng tin tưởng rằng Hội nghị là cơ hội để các địa phương trực tiếp kết nối, trao đổi với các Đại sứ, mở ra các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, chúng ta đang chứng kiến các xu hướng chuyển đổi và biến động sâu sắc trong cục diện thế giới, trong đó nổi lên một số xu hướng tác động sâu sắc tới hợp tác đầu tư giữa các quốc gia như đầu tư toàn cầu sụt giảm trong một môi trường quốc tế gia tăng bất ổn, cùng với xu thế dịch chuyển đầu tư diễn ra mạnh mẽ; đầu tư cho phát triển bền vững, đầu tư xanh được thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, các nước đưa ra nhiều sáng kiến mới trong định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất xanh, đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư cho các nước đang phát triển để thích ứng với các tiêu chuẩn này.

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đan xen cơ hội và thách thức đó, Thứ trưởng cho rằng, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI năm 2022 với lượng vốn tăng thêm khoảng 5% (đạt hơn 220 tỷ USD-cao kỷ lục từ trước tới nay). Đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng đánh giá, Việt Nam và các địa phương của Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng của kinh tế thế giới với GDP cả năm 2023 dự báo đạt trên 5%. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Việt Nam đang “bắt nhịp” kịp thời với các xu thế mới, thích ứng với các quy định mới (thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon… Thứ hai, Việt Nam đã xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng, tạo cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư hoạch định, xây dựng các kế hoạch đầu tư lâu dài, và đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng.

Thứ ba, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, đồng hành cùng các doanh nghiệp. Trên cơ sở các chương trình, chiến lược ở cấp quốc gia, các địa phương cũng tích cực lồng ghép các mục tiêu chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, hoàn thiện hạ tầng xanh trong quá trình xây dựng quy hoạch địa phương.

Điểm cuối cùng và rất quan trọng, quan hệ của Việt Nam với các đối tác tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc và nâng tầm. Cục diện đối ngoại thuận lợi chưa từng có hiện nay là nền tảng để Việt Nam thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển, và cũng tạo cơ hội để các đối tác mở rộng đầu tư – kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Trên cơ sở nhận định trên, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đề nghị phiên họp tập trung vào thảo luận các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, đánh giá các xu thế đầu tư trên thế giới, phân tích các cơ hội và thách thức đặt ra đối với các địa phương của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Thứ hai, tham mưu các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững tại Việt Nam như hợp tác nâng cấp, kết nối hạ tầng chiến lược, xây dựng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án công nghệ cao, bán dẫn, hydrogen xanh…

Thứ ba, đề xuất các giải pháp cụ thể để tận dụng các cơ hội và chuyển hoá các thách thức tăng cường kết nối, xây dựng các mô hình hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng; nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm làm hình mẫu cho hợp tác đầu tư xanh.

"Chúng tôi mong muốn và hy vọng các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương của Việt Nam trong quá trình phát triển nhanh và bền vững sắp tới". (Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng)

(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) trình bày tham luận tại phiên đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) trình bày tham luận “Xu thế đẩy mạnh tài chính xanh: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Đánh giá cao sự tham dự của đông đảo đại diện quốc tế tại phiên họp, ông Shantanu Chakraborty cho rằng điều này chứng tỏ Việt Nam là điểm thu hút FDI rất tốt, mặc dù có nhiều khó khăn song chỉ số phát triển FDI rất tốt, và "còn nhiều việc vẫn làm để tiếp tục thu hút FDI".

Năm vừa qua chứng kiến nhiều thách thức của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng ấn tượng. Về đối ngoại, ông Shantanu Chakraborty cho rằng có sự phát triển vượt bậc, thể hiện qua việc đón hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về thương mại, dù thách thức toàn cầu khiến nhiều nước khó khăn trong việc thu hút FDI, song FDI ở Việt Nam vẫn rất mạnh và Giám đốc quốc gia ADB hy vọng "năm 2024, Việt Nam sẽ thu hút FDI tốt hơn".

Bàn sâu về xu hướng đầu tư xanh và tác động với Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho biết, ông đã đến nhiều địa phương của Việt Nam trong vòng 5 tháng qua và nhận thấy có nhiều nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, qua đó giúp thu hút đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư đã tìm đến các tỉnh thành này.

Đầu tư xanh và bền vững hiện là xu hướng lớn trên thế giới. Thị trường này đã tăng ấn tượng trong 1 thập niên qua, từ khoảng 30 tỷ USD trong năm 2013 tăng lên gần 1,8 nghìn tỷ USD năm 2021 và dự kiến tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2023. Đây là minh chứng cho thấy cộng đồng đầu tư thế giới và thể chế tài chính lớn rất quan tâm đến đầu tư xanh và bền vững.

Theo Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam, quốc gia hình chữ S cần hợp tác nhiều hơn để thực hiện chiến lược phát triển xanh và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26 năm 2021. Ông nêu rõ một số cơ hội cho xu hướng đầu tư xanh ở Việt Nam: tiếp cận được nguồn vốn và phát triển các dự án trọng điểm như cơ sở hạ tầng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050; việc phát triển ngành công nghiệp xanh giúp tạo ra nhiều cơ hội mới nhằm hướng tới phát triển bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam; chuyển đổi xanh giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, ADB muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển giải pháp ứng phó thách thức biến đổi khí hậu thời gian tới, đặc biệt thông qua chuyển đổi và đầu tư xanh.


(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trình bày tham luận tại phiên đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh: từ kinh nghiệm đến thực tiễn” là chủ đề tham luận của ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong đó nhấn mạnh mong muốn tiếp tục ủng hộ bền vững và củng cố mối quan hệ châu Âu-Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng của Việt Nam bền vững và toàn diện.

Đánh giá cao hợp tác của Việt Nam với EuroCham, ông Torben Minko cho rằng tầm nhìn về Tương lai chung của mối quan hệ được thể hiện trong EVFTA, một biểu tượng mạnh mẽ về cam kết cùng nhau với sự tăng trưởng. Được phê chuẩn ba năm trước, EVFTA đã đẩy mạnh thương mại song phương và đầu tư giữa Việt Nam và EU, thu hút hơn 26 tỷ USD FDI từ EU vào Việt Nam. Theo cuộc khảo sát gần đây của EuroCham, Việt Nam hiện đứng trong top ba điểm đến đầu tư toàn cầu đối với 31% thành viên của hiệp hội, với hơn một nửa dự định tăng FDI tại Việt Nam vào cuối năm 2023.

Nhấn mạnh những thách thức mà cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đối mặt giữa những thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới, ông Torben Minko nêu rõ mục tiêu của EuroCham là trang bị cho Việt Nam những công cụ cần thiết để thích nghi và phát triển trong bối cảnh hiện nay, cam kết hỗ trợ điều hành hiệu quả bền vững và hỗ trợ kết nối về mặt thông tin giữa doanh nghiệp và chính phủ. Từ đó thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tuân thủ các yêu cầu khắt khe trong chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển mạnh mẽ trong phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Doanh nghiệp thường đối mặt với thách thức về việc cân nhắc giữa thích nghi dài hạn hay lợi ích tài chính trước mắt. Mục tiêu của Eurocham là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp địa phương vượt qua thách thức này.

Đề cập ấn bản thứ 15 Sách Trắng của EuroCham, dự kiến ra mắt vào ngày 16/1 tới, ông Torben Minko khẳng định đây sẽ là một nguồn tài nguyên quý báu. Thông qua phân tích và những đề xuất hành động, cuốn sách đưa ra những khuyến nghị tới Chính phủ Việt Nam nhằm việc giải quyết các vấn đề mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp EU đưa ra. Bằng cách đề xuất cải tiến trong khung EVFTA và tăng cường đối thoại xây dựng, chúng tôi tin rằng sách trắng sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Vị lãnh đạo EuroCham điểm một số lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể nỗ lực tăng cường hợp tác. Thứ nhất là du lịch bền vững mà một trong những thách thức đáng lo ngại nhất là quản lý chất thải tại các điểm du lịch. Thứ hai là quy tắc EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) mà việc triển khai là quá trình phức tạp và tốn thời gian. Thứ ba là cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), EuroCham hoan nghênh việc hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) song cần phải thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các bộ, ngành.

Cuối cùng, ông Torben Minko nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp rõ ràng và hiệu quả để khuyến khích đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Những phương pháp này nên phù hợp với các mục tiêu quốc gia của Việt Nam về hiệu suất năng lượng. Các biện pháp chính bao gồm cắt giảm trợ cấp giá điện và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn năng lượng sạch. Tăng cường hiệu quả trong quản lý lưới điện và chuyển đổi năng lượng, cũng như tích hợp lưu trữ năng lượng và lưới điện thông minh cho tương lai cũng cần được xem xét.


(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham gia trao đổi thảo luận xu hướng quốc tế và bài học kinh nghiệm cho địa phương Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với sự điều phối của ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, phiên trao đổi thảo luận diễn ra giữa các đại biểu gồm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) Greg Testerman và Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) Marko Walde.

Đến từ một địa bàn vùng núi phía Bắc có địa hình trắc trở, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết, cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương có nhiều điểm không thuận lợi. Tuy nhiên, với nỗ lực nâng cao đời sống của người dân, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp mở rộng địa bàn trồng trọt nông nghiệp và giảm thiểu việc chặt phá rừng. Đồng thời, tỉnh đã nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch. Sau 20 năm thực hiện các kế hoạch đột phá để phát triển địa bàn, Điện Biên đã phát triển một hệ sinh thái nông nghiệp khá bền vững, tập trung chủ yếu phát triển nghề trồng cao su và hạt maca.

Ông Toàn cũng nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục theo đuổi những mục tiêu phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Để thực hiện điều đó, ông cho rằng cần đầu tư và thu hút nguồn nhân sự trẻ, đặc biệt là các sinh viên đang theo học ngành nông nghiệp. Thông qua hội nghị này, ông hy vọng rằng ngân hàng ADB và các nhà đầu tư khác có thể hỗ trợ Điện Biên trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả những lĩnh vực về cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng điện để tỉnh có thể theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.

(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong khi đó, đại diện khu vực phía Nam Trung Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam lại nhấn mạnh mục tiêu phát triển tỉnh bền vững thông qua các dự án năng lượng tái tạo. Để cụ thể hoá mục tiêu, tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, nhằm nghiên cứu và triển khai các dự án sản xuất năng lượng sạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng chính phủ thức hiện hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050. Với tinh thần chủ động, tích cực, Ninh Bình đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc trở thành một trong những tỉnh đi đầu về năng lượng tái tạo.

Đề cập mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long đã chia sẻ kỷ niệm khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự sự kiện COP26 năm 2021, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đây là một mục tiêu tham vọng, cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm cao độ để thực hiện. Tuy nhiên, trên chặng đường khó khăn đó, Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ quốc tế, thậm chí nhiều quốc gia đã ủng hộ sáng kiến và đồng hành cùng Việt Nam triển khai mục tiêu.

Muốn thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam không thể làm một mình mà cần sự đồng hành, hợp tác cùng phát triển của bạn bè quốc tế. Trong quá trình đàm phán, ông đã có sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế với nhiều khoản viện trợ không hoàn lại, khoản vay có điều kiện ưu đãi để đầu phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi và phát triển thương mại.

Đại sứ chỉ ra chuyển đổi tài chính, công nghệ và vốn là những thách thức chính mà Việt Nam cần giải quyết. Đồng thời, cần sự phối hợp từ đơn vị tư nhân và chính phủ để biến thách thức thành cơ hội, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thực hiện mục tiêu thành công.

Việt Nam có nhiều tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi như Quảng Ninh, Hải Phỏng, Phú Yên… Tuy nhiên, để có thể khai phá hết tiềm năng, theo Đại sứ Long, Việt Nam luôn cần học hỏi và lắng nghe kinh nghiệm của các quốc gia đã phát triển năng lượng tại tạo cả về công nghệ và kinh nghiệm triển khai. Hơn hết, Việt Nam cần hợp tác của cộng đồng quốc tế.

(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện Viêt Nam-Hàn Quốc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, Đại sứ Choi Young-sam khẳng định, quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã thúc đẩy hợp tác song phương mạnh mẽ và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư Việt Nam.

Đại sứ Choi chia sẻ, doanh nghiệp Hàn Quốc rất có trách nhiệm trong việc giảm thiểu carbon trong kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc đang có nhiều dự án năng lượng công nghiệp, tập trung đầu tư ở năng lượng mặt trời, năng lượng gió để xây dựng hệ thống điện năng. Sắp tới, Hàn Quốc sẽ có nhiều dự án tiếp tục được triển khai Ninh Thuận, Tiền Giang, Khánh Hoà trong lĩnh vực năng lượng.

Koica hiện đang là đơn vị hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc trong việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan nhà nước Việt Nam và đơn vị tư nhân nhằm thực hiện các dự án giảm phát thải carbon, triển khai cải tạo rừng, hỗ trợ người dân chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trình bày về kế hoạch mục tiêu GDP tăng nhưng phát thải không tăng của Ấn Độ, Đại sứ Sandeep Arya cho biết, đến năm 2050, Ấn Độ đặt mục tiêu nguồn điện trong nước được sản xuất sẽ không từ nguyên liệu hoá thạch. Để thực hiện những điều trên, Đại sứ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan trung ương. Chính phủ cần đặt mục tiêu cao về kế hoạch, kiểm tra định kỳ hàng tháng; đồng thời có những khuôn khổ pháp lý, chính sách và các ưu đãi để thúc đẩy phát triển bền vững.

Đại diện AmCham, Chủ tịch Grey Testerman đề cập vai trò của Hiệp hội trong việc vận động chính sách, chia sẻ thông tin trong các cuộc họp về vấn đề môi trường. Ông bày tỏ sự ấn tượng vì Chính phủ Việt Nam đã lắng nghe những đề xuất kiến nghị từ phía Amcham, thậm chí, thể hiện thiện chí tích cực khi mời Amcham phát biểu cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước về vấn đề phát triển nền kinh tế xanh. Thông qua đó, Đại diện Amcham cam kết sẽ đồng hành và phát triển với Việt Nam cùng thúc đẩy hoạt động môi trường, biến đó là động lực phát triển kinh tế.

Trưởng đại diện AHK Marko Walde lại nhấn mạnh Việt Nam cần hành động ngay trong việc thực hiện phát triển kinh tế xanh.

Bên cạnh thành tựu giảm 90% phát thải qua hoạt động tiêu dùng, ông Marko Walde cho biết, Đức hiện đang đối mặt với an ninh năng lượng do xung đột Nga-Ukraine. Do đó, để giảm phụ thuộc năng lượng, Đức cần nâng cao năng lực tự chủ năng lượng thông qua dự án phát triển năng lượng hạt nhân.

Sau 12 năm làm việc ở Việt Nam, ông đánh giá rất nhiều doanh nghiệp muốn làm việc ở Việt Nam, và trong tương lai ông dự đoán sẽ có thêm nhiều dự án mới. Tuy nhiên, khi nói tới đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ thường quan tâm tới lợi nhuận và mô hình kinh hoanh. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài e ngại đầu tư Việt Nam do lo ngại về các điều kiện pháp lý, về việc Việt Nam có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quốc tế không. Do vậy, Việt Nam cần chuyển đổi kinh tế xanh và hành động ngay lập tức để bắt kịp xu hướng chung của thị trường.


(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đánh giá Hội nghị là cơ hội để các địa phương trực tiếp kết nối, trao đổi với các Đại sứ, mở ra các cơ hội hợp tác trong thời gian tới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong phát biểu kết mạc phiên đối ngoại, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới chứng kiến một số tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, nhưng về tổng thể thì vẫn gặp nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.

Trước tình hình trên, các bên đều nhất trí rằng những quốc gia, doanh nghiệp cần chung tay hành động để thích ứng biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội trong xu thế chuyển dịch kinh tế thế giới, nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.

Các đánh giá của các đại biểu cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, song vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các cơ chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu.

Phiên họp cũng cho thấy tinh thần sẵn sàng của các đối tác, bạn bè quốc tế trong đồng hành cùng tỉnh thành, địa phương Việt Nam, các bên sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ hợp tác, cùng thực hiện mục tiêu chung thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu, vì sự phát triển thịnh vượng của tất cả quốc gia cũng như khu vực.

Nhắc lại tính chất "đặc biệt" của phiên đối thoại khi có sự hiện diện của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ, bạn bè quốc tế tại Hà Nội và lãnh đạo các địa phương, Thứ trưởng cho rằng, điều này tạo nên thế “kiềng ba chân” vững chắc trong việc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và đối tác quốc tế.

Những đóng góp tâm huyết và chia sẻ quý báu tại phiên đối ngoại không chỉ mang tính gợi mở mà còn là cơ sở để Bộ Ngoại giao và các địa phương xác định trọng tâm và giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế nói chung và nhiệm vụ thu hút đầu tư chất lượng cao cho phát triển xanh và bền vững nói riêng trong thời gian tới.

 

(Trực tuyến) Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper bên lề phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tin khác

Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thay đổi nhân sự (08/11/2023 07:34)

Tổng kết dự án nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do tổ chức PLAN tại Việt Nam tài trợ (27/09/2023 08:34)

Hội nghị “Tư vấn tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS” do tổ chức PLAN tài trợ (25/09/2023 08:37)

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai khung trường học an toàn phòng, chống thiên tai do tổ chức Plan tại Việt Nam tài trợ (20/09/2023 15:10)

Hoạt động trồng cây gắn kết tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản do Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam tài trợ tại tỉnh Hà Giang . (08/08/2023 08:42)

Chuyến thăm, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống mua bán người tại tỉnh Quảng Ninh, do tổ chức Blue Dragon tài trợ. (20/06/2023 08:24)

Trình diễn kỹ thuật thi công, gia cố nhà an toàn với thiên tai – hoạt động mang nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và gắn kết cộng đồng do tổ chức PLAN tài trợ (08/05/2023 16:02)

Hội thi Tuyên truyền phòng, chống mua bán người và di cư trái phép năm học 2022-2023. (20/04/2023 15:16)

Triển khai lớp tập huấn “Chuyên sâu cho Công an tỉnh trong điều tra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có nhạy cảm giới và thân thiện với trẻ em và sự phối hợp trong thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân dựa vào cộng đồng” . (20/04/2023 08:55)

Triển khai lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cho các cán bộ cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị xâm hại và bạo lực tại trường học và cộng đồng”. (20/04/2023 08:53)

xem tiếp