Thứ ba Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang

09/07/2015 10:26

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tỉnh Hà Giang có trên 275km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp Tuyên Quang và phía Tây giáp Lào Cai, Yên Bái. Từ những yếu tố về địa lý và những yêu cầu thực tiễn trong công tác đối ngoại, đòi hỏi tỉnh Hà Giang cần phải có một cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đối ngoại nhằm tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nắm vững tình hình công tác ngoại vụ - lãnh sự, chỉ đạo, tuyên truyền cho nhân dân các huyện, xã giáp biên về hoạch định, xây dựng đường biên và đảm bảo an ninh, quốc phòng nơi biên giới, bảo vệ chủ quyền của đất nước nơi vùng cao địa đầu tổ quốc - tỉnh Hà Giang.

 

Tháng 03/1993 Ban Đối ngoại tỉnh Hà Giang được thành lập, gồm 10 cán bộ, công chức, bao gồm các phòng chuyên môn là Văn phòng, phòng Ngoại vụ - Lãnh sự, phòng Kinh tế đối ngoại có chức năng, nhiệm vụ là giúp việc Uỷ ban nhân dân tỉnh, làm công tác đối ngoại quan hệ với nước láng giềng – Trung Quốc, ngoại sự tỉnh Vân Nam Trung Quốc nói chung và châu Văn Sơn – Trung Quốc nói riêng. Quan hệ hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, văn hóa, hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực ngoại giao, và tổ chức luân phiên cho lãnh đạo 2 tỉnh Hà Giang Việt Nam và châu Văn Sơn, Vân Nam - Trung Quốc gặp mặt trao đổi kinh nghiệm về công tác đối ngoại của hai bên cùng phát triển.

Ngày 07/04/1997, trưởng Ban đối ngoại tỉnh là đồng chí Lê Ngọc Ân đã dẫn đầu đoàn quản lý đối ngoại của tỉnh bao gồm các đồng chí lãnh đạo Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Hải quan tỉnh và chuyên viên nội chính của Uỷ ban nhân dân tỉnh sang Côn Minh – Trung Quốc hội đàm với đoàn cán bộ đối ngoại của tỉnh Vân Nam do chủ nhiệm Văn phòng ngoại sự tỉnh Vân Nam để thực hiện Quyết định số 681 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quy định các trục đường qua lại Biên giới, mở cửa khẩu Săm pun – Điền bồng, và một số công việc có tính chất nghiệp vụ.

Khoảng đầu năm 1999, phía Trung Quốc nhiều lần sử dụng lực lượng vũ trang lấn chiếm và nổ mìn tại khu vực 66C Mã Tẻn, Nà Trọc, Mà Sử thuộc xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) và làm bị thương một cháu bé 15 tuổi, cố tình tạo sự bất ổn tại khu vực này. Cùng thời gian này,phía Trung Quốc còn xây dựng tường đá dài 180m tại Sảng Mai Sao (Xín Cái, Mèo Vạc) thuộc khu vực 104C nhằm làm thay đổi hiện trạng biên giới. Ngoài các hoạt động cụ thể trên, phía Trung Quốc còn có nhiều hành vi khác nhằm làm bất ổn tình hình an ninh khu vực như trộm cắp gia súc, đẩy gia súc bị dịnh sang đất ta,… Tuy nhiên, các vụ việc trên đều được Ban đối ngoại nắm bắt kịp thời, báo cáo Tỉnh ủy, Uỷ ban dân tỉnh và đề xuất phương án kịp thời đấu tranh với phía Trung Quốc theo các cấp khác nhau. Đặc biệt đã tổ chức tốt cho các huyện Đồng Văn, Yên Minh sang đàm phán đạt kết quả tốt đối với các vụ cháy rừng mà Trung Quốc vu cáo cho phía ta. Tới ngày 30/12/1999 hai nước đã hoạch định biên giới, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Năm 2000, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang theo Quyết định số 2724 ngày 16/10/2000. Ngày 3/8/2001 ra Quyết định số 2401 về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc và Quyết định số 2402 ngày 3/8/2001 về việc thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc và 3 nhóm 4, 5, 6 Phân giới cắm mốc trên thực địa tỉnh Hà Giang. Mỗi nhóm được biên chế từ 15 đến 20 đồng chí, chủ yếu là cán bộ chiến sỹ Biên phòng, Công an, Địa chính.

Thành viên Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc gồm 26 đồng chí trong đó có các sở, ngành của tỉnh và 07 huyện biên giới, trong quá trình phân giới căm mốc trải qua 8 năm từ năm 2000 – 2008. Ban Chỉ đạo Phân giới căm mốc và 3 Nhóm làm trên thực địa đã hoạch định trên đường biên giới toàn tỉnh Hà Giang tính từ Đông sang Tây đường biên giới dài 277,556 km. được phân chia ra 07 huyện biên giới với 33 xã và 1 thị trấn trong suốt những năm làm công tác Phân giới cắm mốc.

Đến năm 2003, công tác Phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam – Trung Quốc của tỉnh Hà Giang luôn được Ban Đối ngoại xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Ngoại giao, Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc của Trung ương, các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, Ban ngành các huyện trong tỉnh, tiến trình Phân giới cắm mốc thực hiện đúng theo kế hoạch được duyệt, trang thiết bị cơ sở vật chất và nội dung làm việc của 3 nhóm Phân giới cắm mốc số 4, 5, 6 đã tạm ổn. Lực lượng làm công tác Phân giới cắm mốc đoàn kết nhất trí, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, có ý thức tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy công tác Phân giới cắm mốc trên thực địa không xảy ra sai sót, đã phân giới được trên 8km đường biên giới và cắm được 14 mốc giới dù rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn như đường biên vật cản nhiều, chưa rà phá mìn, lời văn mô tả thực địa còn nhiều bất cập,…

Ngày 10 tháng 12 năm 2003, căn cứ theo Quyết định số 262/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban Đối ngoại thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang. Kể từ đây, trách nhiệm của Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang lại một cao hơn, quan trọng hơn trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác ngoại vụ - lãnh sự, hoạt động thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế trên địa bàn tỉnh, quản lý Nhà nước về biên giới và đặc biệt là Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang được Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang, xác định rõ đây là nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền từng tấc đất của tổ quốc giao phó, mà Đảng, Nhà nước xác định phải có đường biên giới hòa bình, hữu nghị hai bên cùng phát triển.

Ngày 21 tháng 10 năm 2006, Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 225/QĐ-NVBG về việc Ban hành Quy chế hoạt động của Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang. Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban Lãnh đạo và các phòng chuyên môn thuộc Sở cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi cá nhân cán bộ công chức và người lao động thuộc Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang.

Ngày 16 tháng 4 năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UBND về việc Đổi tên Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang thành Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang. Và tên Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang vẫn đang đương nhiệm cho đến nay. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Sở là tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác ngoại vụ, biên giới lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật. Lúc này, về cơ cẩu tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ của Sở vẫn được giữ nguyên.

Cũng trong năm 2008, công tác Phân giới cắm mốc về cơ bản đã hoàn thành, tính đến ngày 06 tháng 11 năm 2008, đã xác định xong tổng số 358/358 cột mốc chính, 82 vị trí mốc phụ, phân giới được 272 km (đo trên bản đồ) và công tác cắm mốc 2 bên vẫn đang được tiếp tục. Thường xuyên theo dõi nắm tình hình diễn biến Phân giới cắm mốc, tham mưu cho Ban Chỉ đạo, chỉ đạo kịp thời công tác Phân giới cắm mốc trên thực địa và đảm bảo phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho các Nhóm Phân giới cắm mốc hoạt động. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2009, chính thức có Nghị định thư Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được lãnh đạo hai nước ký. Trong suốt quá trình thực hiện phân giới cắm mốc Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang đã được Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao đánh giá cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước tặng bằng khen.

Ngày 18 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 556/QĐ-TTg nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy lên cửa khẩu quốc tế. Đến sáng ngày 19 tháng 12 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cùng Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan đã tổ chức lễ công bố quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Việt Nam) – Thiên Bảo (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, cho tới nay tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu – nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Thanh Thủy đạt 1.934,5 triệu USD. Đây là một bước tiến mới thể hiện mối quan hệ song phương, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa tỉnh Hà Giang với nước bạn Trung Quốc. Đánh dấu một công lao to lớn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, các cơ quan, Ban ngành cùng nhân dân các dân tộc tại Hà Giang mà trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang.

Ngoài những nhiệm vụ chuyên môn trên, Sở Ngoại vụ còn có chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đối ngoại hàng năm của tỉnh, yêu cẩu các huyện các ngành xây dựng kế hoạch đối ngoại của ngành, là cơ quan đầu mối liên hệ với các ngành chức năng của Trung Quốc để các ngành, huyện, xã giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của hai bên. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Sở Ngoại vụ là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong suốt hơn 10 năm qua, đã và đang có những phát triển không ngừng góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đó là nhờ vào công lao đóng góp không nhỏ của Ban giám đốc Sở, cán bộ công chức, viên chức làm công tác đối ngoại. Hàng năm đều được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đánh giá cao về công tác đối ngoại của tỉnh.

Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang vinh dự tự hào trong quá trình phấn đấu xây dựng ngành đã có 05 đồng chí vinh dự được nhận kỷ niệm chương ngành Ngoại giao Việt Nam.

Từ khi thành lập, Sở Ngoại vụ đã trải qua các thời kỳ lãnh đạo như sau:

1. Đồng chí Lê Ngọc Ân – Trưởng Ban Đối ngoại từ năm 1993 đến năm 2000.

2. Đồng chí Nguyễn Văn Sen – Trưởng Ban Đối ngoại từ năm 2000 đến năm 2002.

3. Đồng chí Nguyễn Tiến Hồng – Trưởng Ban Đối ngoại, Giám đốc Sở Ngoại vụ và Biên giới từ năm 2003 đến năm 2009.

4. Đồng chí Ma Ngọc Tiến – Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang từ 2009 đến năm 2016.

5. Đồng chí Lý Thị Lan - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang từ năm 2016 đến nay./.

BQT

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác