Thứ sáu Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Chuyên đề - Phong trào

Gửi Email In trang Lưu
Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang - 30 năm xây dựng và phát triển

28/08/2023 08:43

Ngày 28/8/1945, cùng với tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao chính thức ra đời, thời điểm đó, do sự quan trọng của công tác ngoại giao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đường lối ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ cho đến đường lối đối ngoại của Đảng là “Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”, xây dựng một nền đối ngoại toàn diện, tạo nên xung lực tổng hợp của các lĩnh vực, các loại hình, các kênh đối ngoại hiện nay. Góp phần không nhỏ trong công cuộc hoạch định, bảo vệ chủ quyền biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, ngày 6/4/1993, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 172/QĐ-UB về việc thành lập Ban Đối ngoại tỉnh là tiền thân của Sở Ngoại vụ ngày nay.

Tập thể công chức, viên chức, người lao động Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang

 Ba mươi năm là một chặng đường đầy cam go, thử thách, vất vả và hy sinh nhưng cũng là một khoảng thời gian đầy ý nghĩa với nhiều sự thay đổi về tầm vóc, trưởng thành và phát triển của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang. Quá trình hình thành và phát triển, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang đã trải qua các thời kỳ, cụ thể như sau:

Thời kỳ thứ nhất, từ năm 1991 đến năm 2000

Ngày 7/11/1991, “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” được ký kết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương. Ngày 26, 27/3/1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho chủ trương thành lập cơ quan đối ngoại ở địa phương. Ngày 6/4/1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 172/QĐ-UB về việc thành lập Ban Đối ngoại tỉnh.

Thời kỳ này, Ban Đối ngoại hoạt động dựa trên cơ sở Tổ Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh và Ban kinh tế đối ngoại trực thuộc Ủy ban kế hoạch tỉnh. Ban Đối ngoại có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, công tác biên giới và lĩnh vực kinh tế đối ngoại ở địa phương.

Ngay sau khi thành lập, Ban Đối ngoại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ khai thông mối quan hệ quốc tế giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thiết lập quan hệ với đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tổ chức mở lại cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy - Thiên Bảo, cửa khẩu cấp tỉnh Săm Pun - Điền Bồng và 10 đường qua lại tạm thời trên biên giới Việt -Trung; phối hợp với các cấp các ngành trong tỉnh tổ chức tốt việc thông xe tuyến đường bộ Hà Giang - Vân Sơn; tham mưu tổ chức các đoàn lãnh đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã sang thăm và làm việc tại Vân Nam, Trung Quốc cũng như đón tiếp các đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Hà Giang qua đó tăng thêm hiểu biết, thiết lập các quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,… Hàng năm, Ban Đối ngoại phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành đấu tranh, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia khi đối phương có hành vi vi phạm “Hiệp định tạm thời”, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Các vấn đề biên giới được Ban Đối ngoại kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các cấp các ngành, khôn khéo, vận dụng linh hoạt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thông lệ quốc tế, đấu tranh chính trị tại thực địa kết hợp với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán các cấp đối đẳng, để phản kháng, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động vị phạm. Đồng thời thông tin với phía Bạn phối hợp, giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề xảy ra trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, quốc gia.

Cán bộ Sở Ngoại vụ những năm 1993 - 2003

Thời kỳ thứ hai, từ năm 2000 đến năm 2008

Ngày 30/12/1999, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tiến hành hoạch định biên giới, ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, sau khi ký Hiệp ước và có hiệu lực, Việt Nam và Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn phân giới, cắm mốc tại thực địa trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tại Hà Giang, ngày 16/10/2000, Uỷ ban nhân dân tỉnh ký Quyết định số 2724/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang; ngày 3/8/2001, ra Quyết định số 2401/QĐ-UBND về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc và Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 3/8/2001 về việc thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc với 03 nhóm 4, 5, 6 Phân giới cắm mốc trên thực địa tỉnh Hà Giang. Mỗi nhóm được biên chế từ 15 đến 20 đồng chí trưng tập từ các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương. Thời kỳ này, Ban Đối ngoại tỉnh Hà Giang được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang. Ngày 10/12/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định số 262/2003/QĐ-TTg thành lập Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang trên cơ sở tổ chức lại Ban Đối ngoại thuộc UBND tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng, vinh dự của ngành Ngoại vụ tỉnh Hà Giang, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí ngày càng phát triển của cơ quan ngoại vụ địa phương.

Trong giai đoạn này, với vai trò là là thường trực Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc, Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang xác định nhiệm vụ tối quan trọng hàng đầu là tích cực tham mưu, phối kết hợp với các cấp, các ngành tập trung hoạt động ngoại giao phục vụ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 16/4/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UBND, chính thức đổi tên Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang thành Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang.

Hoạt động phân giới cắm mốc trên thực địa

Đến ngày 29/11/2008, Hà Giang là tỉnh đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phân giới cắm mốc trên thực địa, góp phần quan trọng vào thành quả phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tỉnh thực hiện phân giới xong 277,556 km đường biên giới tính từ Tây sang Đông, cắm được tổng số 442 mốc giới, trong đó có 358 mốc chính và 84 mốc phụ trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh quản lý, trong tổng số 1.971 mốc giới (tính cả mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc) của toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 31/12/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đã góp phần giải quyết ổn thoả vấn đề biên giới, xây dựng đường biên giới  Việt - Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, giao lưu văn hóa - xã hội;… vùng biên giới. Những thành quả đạt được cho thấy sự cố gắng quyết tâm lãnh, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cấp, các ngành, các lực lượng tham gia công tác Phân giới cắm mốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại, đánh dấu son ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp không ngừng phát triển của hai bên. Cho đến nay, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho tỉnh quản lý, bảo vệ đường biên mốc giới theo 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Thời kỳ thứ ba, từ năm 2009 đến nay

Ngày 18/11/2009, Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tiến hành ký kết 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc gồm: (1) Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; (2) Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, (3) Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam  - Trung Quốc. Tới ngày 14/7/2010, tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc), hai bên đã tổ chức Lễ tuyên bố 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Khi đó, các văn kiện chính thức có hiệu lực, hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ quản lý đường biên giới theo các văn kiện đã ký kết, đánh dấu mốc kết thúc thời kỳ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang là phối hợp với phía bạn tiến hành hoạch định, phân giới cắm mốc tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phân giới cắm mốc lịch sử, Sở Ngoại vụ tiến hành kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức, nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tác đối ngoại, tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác đối ngoại Đảng, UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia; hội nhập quốc tế; ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trong đó trọng tâm là duy trì mối quan hệ hữu nghị với các địa phương phía Trung Quốc và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, địa phương nước ngoài, thu hút đầu tư, vận động viện trợ và tìm kiếm các nguồn ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Thời kỳ này, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Sở gồm: 01 Giám đốc, 03 Phó Giám đốc với Văn phòng Sở, phòng Thanh tra; 03 phòng nghiệp vụ là: Phòng Ngoại vụ - Lãnh sự, Phòng Quản lý biên giới và Phòng Thông tin - Kinh tế đối ngoại và 01 Trung tâm Thông tin Tư vấn và Dịch vụ đối ngoại trực thuộc Sở.

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 10/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Ngoại vụ, lúc này, Sở Ngoại vụ với 31 biên chế công chức, viên chức, hợp đồng 68 và hợp đồng ngân sách tỉnh, trong đó: Thạc sỹ 07 người (chiếm 23,5%), Đai học 21 người (chiếm 61,5%); Cao đăng 01 người (chiếm 3%), trình độ còn lại 03 người (chiếm 9%). Phòng chuyên môn, nghiệp vụ có 04 phòng gồm: Văn phòng Sở, Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài, Phòng Quản lý biên giới và 01 Trung tâm Thông tin Tư vấn và Dịch vụ đối ngoại.

Hiện tại, Sở Ngoại vụ hoạt động theo Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh Hà Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang. Cơ cấu tổ chức có: Lãnh đạo Sở, 04 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng Sở, Phòng Hợp tác quốc tế; Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài, Phòng Quản lý biên giới và 01 Trung tâm Thông tin Tư vấn và Dịch vụ đối ngoại. Ngoài ra, Sở còn kiêm nhiệm là Cơ quan thường trực của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang và Hội hữu nghị Việt - Trung. Tổng biên chế của Sở được giao là 34 biên chế, trong đó: 26 công chức, 01 viên chức, 03 hợp đồng 68, 04 hợp đồng ngân sách tỉnh.

Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, qua mỗi thời kỳ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Ngoại vụ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện hơn. Các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang đều đoàn kết, thống nhất, vượt qua những khó khăn, gian khổ, xông pha nơi biên giới, núi cao, đương đầu với biết bao hiểm nguy để giành từng tấc đất, cắm từng mốc giới thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ nơi biên ải Tổ quốc. Nhìn lại chặng đường đã qua mặc dù có những thay đổi về tổ chức và hoạt động qua từng thời kỳ, nhưng trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang luôn giữ vững được lập trường, ý chí, linh hoạt, khôn khéo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, đàm phán hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc cử lao động đi làm việc thời vụ tại nước ngoài giữa UBND tỉnh Hà Giang và Quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc

Chủ động tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát huy tốt vai trò, thế mạnh đặc thù và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập; tham mưu cho Tỉnh kết nối, mở rộng, ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với tỉnh Benguet, Philippines; thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản; Quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc;... Ngoài ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thông qua Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Sở Ngoại vụ cũng làm tốt công tác kết nối, tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút viện trợ, tăng cường nghiên cứu các cơ chế, chính sách để tạo các điều kiện, môi trường đầu tư tốt nhất, ngày càng thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư, viện trợ nước ngoài, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với trên 100 tổ chức quốc tế, các quỹ, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản/JICA; Ngân hàng Thế giới/WB; Ngân hàng phát triển châu Á/ADB;... đồng thời tìm hiểu, tổ chức tiếp xúc, đẩy mạnh tìm kiếm, thiết lập quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: Tổ chức Plan International; Caritas Thụy Sỹ; LOAN-Stiftung; Good Neibought International (GNI/Hàn Quốc); Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Hoa Kỳ/Úc); Founa Foudation International (FFI); Vision Care;... Qua đó thu hút đầu tư phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, tranh thủ chuyển giao khoa học, kỹ thuật về địa phương.

Qua mỗi thời kỳ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của Sở Ngoại vụ ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh, từ 7 cán bộ công chức với 10 nhiệm vụ chính trị, nay Sở Ngoại vụ có 33 cán bộ công chức với 23 chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao. Trong từng giai đoạn, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang luôn xác định hội nhập quốc tế phải trên cơ sở phát huy tối đa nội lực kinh tế của tỉnh, gắn với việc hoàn thiện một số cơ chế, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương; qua đó phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; các hoạt động đối ngoại tập trung phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của tỉnh.

Trong thời gian tới, công tác ngoại vụ địa phương còn nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ công chức, đặc biệt là thế hệ trẻ của Sở Ngoại vụ phải tăng cường phấn đấu rèn luyện bản thân, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nắm vững luật quốc tế, khôn khéo, linh hoạt, giỏi ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới./.

Anh Toàn - Tổng hợp

Tin khác

Đại sứ Nguyễn Phương Nga trên các mặt trận đối ngoại (10/03/2021 15:27)

Việt Nam-Nhật Bản: Thắt chặt sự tin cậy (23/10/2020 08:01)

Những điểm nhấn trong bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Suga tại Đại học Việt-Nhật (20/10/2020 08:07)

Quyết tâm mới, khí thế mới (19/10/2020 09:22)

Đại hội của lòng dân (14/10/2020 07:43)

Lễ tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trong mắt những người bạn Mỹ (21/09/2020 13:48)

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Công tác phát ngôn không chỉ là đứng trên bục họp báo... (18/09/2020 15:22)

Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) 27: Xây dựng lòng tin, triển khai ngoại giao phòng ngừa trong bối cảnh mới; Biển Đông tiếp tục được quan tâm (14/09/2020 10:06)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau 2025 (10/09/2020 07:41)

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM cam kết đẩy mạnh hợp tác Á-Âu ứng phó Covid-19 (08/09/2020 14:02)

xem tiếp