Thứ sáu Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Hoạt động chuyên đề

Gửi Email In trang Lưu
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại một năm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - Đối ngoại tiên phong, đồng hành cùng đất nước

20/12/2022 14:10

Đã tròn một năm kể từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên (14/12/2021), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, đó là một năm đối ngoại Việt Nam đối mặt với nhiều gian khó nhưng đã vững vàng tỏa sáng, cùng đất nước tiến về phía trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

 Thưa Đại sứ, “khí thế” của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên với điểm nhấn là bài phát biểu đầy ý nghĩa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được thể hiện như thế nào xuyên suốt các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam trong năm qua?

Có thể khẳng định, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chỉ đạo đường hướng đối ngoại ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội có một số điểm vô cùng quan trọng không thể không nhấn mạnh lại, đề cập nhiệm vụ mới của đối ngoại trong bối cảnh nhiều phức tạp đan xen.

Một là, về tư tưởng chỉ đạo: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hai là, về nguyên tắc đối ngoại: bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Ba là, về phương hướng đối ngoại: triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng các doanh nghiệp.

Bốn là, về nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại: tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Có thể thấy, trong năm 2022 tình hình quốc tế phức tạp chưa từng có, đan xen giữa đại dịch, cạnh tranh nước lớn, phân cực, khủng hoảng chính trị như xung đột Nga-Ukraine đặt ra thách thức trong việc lựa chọn các phương án, cách đi trong đối ngoại như thế nào.

Soi lại tất cả những nội dung cốt lõi như Tổng Bí thư chỉ đạo và đặt vào bối cảnh quốc tế đó, cá nhân tôi đúc kết lại một số điểm lớn, dù rằng khó có thể bao quát được tổng thể và mỗi người có một góc nhìn khác nhau.

Thứ nhất, khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch, mở cửa trở lại về kinh tế và xã hội, ngành đối ngoại đã chủ động nối lại, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại ngay, trên tất cả lĩnh vực, từ song phương đến đa phương, từ chính trị đến kinh tế, từ thúc đẩy môi trường hòa bình an ninh đến môi trường phục hồi và phát triển.

Thứ hai, ngành đối ngoại đã chủ động, sáng tạo đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại có trọng tâm, dưới tinh thần của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Đại hội Đảng lần thứ XIII. Những trọng tâm đó là tranh thủ mọi nguồn lực kinh tế, thương mại để phục vụ phục hồi sau đại dịch; khôi phục các chuỗi cung ứng, cùng các nước đảm bảo tính bền vững của các chuỗi cung ứng này – vốn bị đứt gãy do dịch bệnh, lại thêm cạnh tranh nước lớn và xung đột Nga-Ukraine.

Thứ ba, Việt Nam chủ động trên tất cả các mặt trận làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị để từ đó dành ưu tiên cho phát triển kinh tế. Nổi bật có thể kể đến chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao ta như Tổng Bí thư thăm chính thức Trung Quốc cuối tháng 10, Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện đầu tháng 12; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính thăm Mỹ, dự cấp cao Mỹ - ASEAN vào tháng 5; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên tục có các chuyến thăm châu Âu vào tháng 7, tháng 10 và tháng 12, cũng như các chuyến thăm cấp cao tới Lào, Campuchia… Trong năm qua, lượng đoàn cấp cao các nước vào Việt Nam cũng rất nhộn nhịp, đa dạng từ nhiều khu vực khác nhau.

Thứ tư, dù ra khỏi đại dịch trong vòng chưa đầy một năm nhưng trên cả bình diện đa phương Việt Nam cũng đã làm tốt như tại Liên hợp quốc, ASEAN, APEC... Tổng thư ký Liên hợp quốc vừa qua có chuyến thăm tới Việt Nam.

Làm tốt trên cả bình diện song phương và đa phương, Việt Nam vừa tăng thêm quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn bè nhưng đồng thời cũng tranh thủ nguồn lực và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Cuối cùng, Việt Nam song hành giữa chính trị và kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đối với Biển Đông. Thông qua các hoạt động đối ngoại, chúng ta chủ động hỗ trợ cùng trong nước tranh thủ các ngành kinh tế của tương lai, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sạch, bao gồm cả năng lượng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh…

Đại sứ có thể chia sẻ những ấn tượng lớn nhất của mình về thành quả đối ngoại một năm vừa qua?

Tôi rất ấn tượng về cách xử lý của Việt Nam trong các mối quan hệ và trước các thách thức trên mặt trận đối ngoại, bao gồm cả cạnh tranh nước lớn và cạnh tranh địa chính trị.

Một mặt, Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc là độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa và là đối tác tin cậy của các nước. Mặt khác, Việt Nam khẳng định không chọn bên nhưng chọn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, lợi ích chung của thế giới và dựa trên luật pháp quốc tế.

Trên những vấn đề phức tạp cụ thể, Việt Nam đã có quyết sách dựa trên nguyên tắc nhưng ứng xử linh hoạt để tranh thủ được quốc tế. Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều quốc gia có các sáng kiến khác nhau, tuy vậy, Việt Nam đã tranh thủ các bên, dựa trên các nguyên tắc của mình, chia sẻ với ASEAN. Trước xung đột Nga-Ukraine, tại Liên hợp quốc, ASEAN hay trong quan hệ với châu Âu, Nga, Ukraine, phương Tây hay Mỹ… mạch chung của Việt Nam là thể hiện được đúng nguyên tắc lợi ích quốc gia, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, xử lý linh hoạt các mối quan hệ để qua đó truyền đi thông điệp Việt Nam vừa là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhưng đồng thời làm bạn với tất cả các nước, nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Tôi cho rằng, việc Việt Nam xử lý tốt các mối quan hệ quốc tế là điểm rất nổi bật trong năm 2022.

Bên cạnh đó, tôi cũng vô cùng ấn tượng việc Việt Nam đã triển khai đối ngoại một cách đồng bộ. Sự đồng bộ ở đây thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ của các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, tạo thành một sức mạnh chung, sự cộng hưởng về đối ngoại cho vị thế đất nước. Sự đồng bộ còn thể hiện ở việc đối ngoại được triển khai trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, bảo hộ công dân, an ninh - quốc phòng… ở cả cấp độ song phương và đa phương, cả cấp cao và các cấp, cả trung ương và địa phương.

Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn, môi trường quốc tế có nhiều thách thức phức tạp, trong nước lại có những yêu cầu rất mới, ngành ngoại giao đã chủ động, tiên phong trong công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu kiến nghị chính sách, tổ chức bố trí lực lượng phục vụ hoạt động đối ngoại… Từ đó toát lên câu chuyện rằng giữa muôn vàn gian khó, khi đất nước mở cửa trở lại sau đại dịch, đối ngoại đã đồng hành cùng với đất nước, lấy đối ngoại phục vụ những mục tiêu ưu tiên của đất nước, đó là môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cho phát triển và nâng cao vị thế.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại một năm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - Đối ngoại tiên phong, đồng hành cùng đất nước
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Nhìn về phía trước, Đại sứ đánh giá ra sao về thời cơ và thách thức với đối ngoại của Việt Nam?

Trong năm 2023, rõ ràng những thách thức của năm nay vẫn còn hiện hữu thậm chí có chiều hướng diễn biến phức tạp như cạnh tranh nước lớn, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng chính trị, thách thức an ninh phi truyền thống… Giữa những phức tạp ấy, chúng ta thấy tín hiệu lạc quan hơn, đan xen trong thách thức đã thấy rõ những cơ hội.

Có thể thấy là, dịch bệnh đã được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại sẽ tạo ra động lực mới cho giao lưu thương mại, nối lại chuỗi cung ứng và phát triển.

Trong cạnh tranh nước lớn, các bên đã bộc lộ rõ những mong muốn thực tế thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh song phương như giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc vừa qua, bày tỏ mong muốn quản trị cạnh tranh có trách nhiệm không để xảy ra xung đột. Các nước lớn đều quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Do vậy, cạnh tranh nước lớn đưa ra sức ép để chọn bên nhưng cũng có những sáng kiến để tranh thủ khu vực này. Chúng ta cần vừa kiểm soát được sự phức tạp song cũng tranh thủ cơ hội để phục vụ hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam.

Dù phức tạp nhưng trong Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương xu hướng hòa bình, hợp tác, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vẫn là xu hướng bao trùm. Việt Nam với tư cách là thành viên trách nhiệm, nòng cốt của ASEAN cũng như khu vực, cần phải cùng với ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa môi trường khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển trong đó ASEAN giữ vững vai trò trung tâm.

Với bề dày của công tác cán bộ, truyền thống của ngành đối ngoại trong đó có những bài học kinh nghiệm của các thế hệ tiền bối liên quan đến lợi ích dân tộc, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong xử lý các mối quan hệ, lợi ích quốc gia, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, tôi tin rằng ngành đối ngoại sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa, thể hiện được vai trò của mình.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Báo Thế giới & Việt Nam

Tin khác

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việt Nam hết sức coi trọng và chân thành mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc (01/11/2022 07:28)

Bước tiến mới xây dựng nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại (19/10/2022 08:11)

Vững tin thực hiện các trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 (13/10/2022 14:44)

77 năm Ngoại giao Việt Nam: Tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân (31/08/2022 13:55)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại trong giành và giữ chính quyền cách mạng (22/08/2022 08:31)

Những điều cần biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước (16/08/2022 14:49)

Campuchia-Việt Nam khẳng định rõ với thế giới về một mối quan hệ bền vững, sâu sắc, toàn diện (29/06/2022 08:48)

Tăng cường ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển (23/05/2022 10:55)

Tăng cường ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển (20/05/2022 08:37)

Tô thắm tình hữu nghị vĩ đại, đặc biệt Việt Nam-Lào (01/05/2022 14:25)

xem tiếp