Thứ tư Ngày 8 Tháng 5 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Tin khác

Gửi Email In trang Lưu
Quá trình hình thành và phát triển của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang

25/08/2020 08:09

Ngày 28/8/1945, cùng với tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao chính thức ra đời, thời điểm đó, do sự quan trọng của công tác ngoại giao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đường lối ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ cho đến đường lối đối ngoại của Đảng là “Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”, xây dựng một nền đối ngoại toàn diện, tạo nên xung lực tổng hợp của các lĩnh vực, các loại hình, các kênh đối ngoại hiện nay. Để đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp ngày càng phát triển của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung, 27 năm qua công tác ngoại vụ của tỉnh Hà Giang đã và đang có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đưa Hà Giang đến với bạn bè quốc tế và bạn bè quốc tế đến với Hà Giang.

Đại hội lần thứ 2 Đảng bộ BCĐ PGCM tỉnh Hà Giang

 Tiền thân của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang ngày hôm nay được bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20, khi đó tỉnh Hà Giang đã có Tổ Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh và Ban Kinh tế Đối ngoại trực thuộc Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Trải qua một thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh Hà giang nhận định công tác đối ngoại ngày càng quan trọng với địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nhất là ngày 7/11/1991, “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký kết.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế địa phương. Tháng 03/1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho chủ trương thành lập cơ quan đối ngoại ở địa phương. Ngày 06/4/1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 172/QĐ-UB về việc thành lập Ban Đối ngoại tỉnh trên cơ sở Tổ Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh và Ban kinh tế đối ngoại trực thuộc Ủy Ban kế hoạch tỉnh. Theo đó, Ban Đối ngoại có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ ở địa phương, quản lý công tác biên giới và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Ban Đối ngoại có 10 nhiệm vụ chính; cơ cấu tổ chức có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và có từ 5-7 chuyên viên.

Ngay sau khi thành lập, Ban Đối ngoại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đó có nhiệm vụ tiến hành khai thông trong mối quan hệ giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc: tổ chức mở lại cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy - Thiên Bảo, cửa khẩu cấp tỉnh Săm Pun - Điền Bồng và 10 đường qua lại tạm thời trên biên giới Việt - Trung; phối hợp với các cấp các ngành trong tỉnh tổ chức tốt việc thông xe tuyến đường bộ Hà Giang - Vân Sơn; tham mưu tổ chức các đoàn lãnh đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã sang thăm và làm việc tại Vân Nam, Trung Quốc cũng như đón tiếp các đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Hà Giang qua đó tăng thêm hiểu biết, thiết lập các quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật…

Xác định nhiệm vụ bảo vệ, quản lý biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hàng năm, Ban Đối ngoại phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành công cuộc giữ gìn bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia khi mà đối phương có hành vi, vi phạm “Hiệp định tạm thời”. Các vấn đề biên giới được Ban Đối ngoại kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các cấp các ngành, khôn khéo, vận dụng linh hoạt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thông lệ quốc tế, thông qua đàm phán tại thực địa và đàm phán các cấp đối đẳng, để phản kháng, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động vị phạm. Đồng thời thông tin với phía Bạn phối hợp, giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề xảy ra trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, quốc gia.

Ngày 30/12/1999, Hai nước Việt Nam - Trung Quốc hoạch định biên giới, ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 16/10/2000, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang ký Quyết định số 2724/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang. Ngày 3/8/2001, ra Quyết định số 2401/QĐ-UBND về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc và Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 3/8/2001 về việc thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc và thành lập 03 nhóm 4, 5, 6 Phân giới cắm mốc trên thực địa tỉnh Hà Giang; thành lập Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang. Mỗi nhóm được biên chế từ 15 đến 20 đồng chí trưng tập từ các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương. Ban Đối Ngoại tỉnh Hà Giang được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang.

Công tác PGCM tại thực địa

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tổ chức tiến hành công tác phân giới cắm mốc đoạn biên giới trên bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý với chiều dài đường biên giới 272 km tính từ Tây sang Đông. Từ năm 2000 đến 2008, Sở Ngoại vụ và Biên giới (nay là Sở Ngoại vụ) xác định công tác phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam - Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trải qua những tháng ngày gian truân, khó khăn, vất vả, không quản nắng, mưa và đi kèm với đó là những hy sinh, mất mát to lớn cả về người, của cải. Cán bộ ngành Ngoại vụ luôn tập trung sức lực, trí tuệ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Ngày 29/11/2008, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đoạn biên giới thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang. Công tác PGCM trên đất liền thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc phân giới, xác định vị trí và cắm mốc quốc giới tại thực địa, thực hiện phân giới xong 272 km đường biên giới, xác định được 442 vị trí mốc trong đó có 358 mốc chính, 84 mốc phụ. Những thành quả đạt được cho thấy sự cố gắng quyết tâm nỗ lực trong công tác PGCM của hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung, của 3 tỉnh Hà Giang - Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc nói riêng. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đánh dấu son ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp không ngừng phát triển của hai bên.

Giai đoạn PGCM, được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngày 10/12/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định số 262/2003/QĐ-TTg thành lập Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang trên cơ sở tổ chức lại Ban Đối ngoại thuộc UBND tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng, vinh dự của ngành ngoại vụ tỉnh Hà Giang, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí ngày càng phát triển của cơ quan ngoại vụ địa phương. Ngày 16/4/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 về việc đổi tên Sở Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Hà Giang thành Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang.

Từ sau Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đoạn biên giới thuộc tỉnh Hà Giang vào ngày 29/11/2008 cho đến nay, Bộ Ngoại giao nói chung, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang nói riêng đang gấp rút chuẩn bị các khâu cuối cùng cho tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc gắn với tuyên truyền, thực hiện 03 văn kiện về biên giới đất liền với Trung Quốc. Trải qua 12 năm duy trì, bảo vệ trật tự, toàn vẹn lãnh thổ là 12 năm Sở Ngoại vụ tăng cường nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý các hoạt động đối ngoại gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương trong thời kỳ cả nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, kinh tế thế khu vực và trên thế giới, các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thống nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự quản lý tập trung của UBND tỉnh trên cơ sở tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Ngày 28/6/2015, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 02 quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một bước thay đổi lớn của ngành ngoại vụ cả nước nói chung, của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang nói riêng, ngoài chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, bổ sung “tham mưu cho Tỉnh ủy về chủ trương hội nhập quốc tế, định hướng mở rộng quan hệ và triển khai toàn diện công tác đối ngoại của địa phương, tổ chức và quản lý công tác đối ngoại Đảng tại địa phương”. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ ngày càng được hoàn thiện và mở rộng, là cơ sở rất quan trọng để Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang tham mưu triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại tại địa phương, hướng tới chiến lược đưa Hà Giang hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị không chỉ với địa phương hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Trung Quốc mà đến với các nước trong khu vực ASEAN, địa phương các nước trên thế giới.

Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành Ngoại vụ tỉnh Hà Giang đã có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia. Đến nay, mối quan hệ giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng được nâng cao, hai bên đã tổ chức ký kết nghĩa giữa các huyện, xã biên giới với nhau nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tuyên truyền giáo dục cũng như phát triển kinh tế cho bà con vùng biên giới, qua đó duy trì, phát triển mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và lâu dài với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Hàng năm, hai Bên tổ chức các đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm và làm việc, tham dự các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của nhau nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị vốn có; triển khai các chương trình do Trung ương, Bộ Ngoại giao, của tỉnh và chương trình hợp tác Hai bên đã ký kết.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh trao quà  cho Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Trần Hào

Chủ động tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát huy tốt vai trò, thế mạnh đặc thù và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập; tham mưu cho Tỉnh kết nối, mở rộng, ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với tỉnh Benguet, Philippines; thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản; Quận Boeun, tỉnh Chungcheongbok, Hàn Quốc;... Quan hệ với các đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng. Tích cực liên hệ tổ chức các buổi gặp và làm việc với các Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế thúc đẩy quan hệ hữu nghị, làm cầu nối đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, một số Đại sứ quán đã có những hoạt động hỗ trợ giúp đỡ cho người dân tỉnh Hà Giang như: Đại sứ quán Mỹ, Nhật Bản, Israel, Australia, Ireland, Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines,... và mới đây nhất vào tháng 5/2020, việc ký kết Khung hợp tác chiến lược giữa tỉnh Hà Giang và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hà Giang và ngân hàng Thế giới lên tầm chiến lược, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác phi chính phủ nước ngoài cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội, qua đó đáp ứng tốt nhất những nhu cầu thiết yếu, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân vùng dự án, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Lễ ký kết Khung hợp tác chiến lược giữa tỉnh Hà Giang và Ngân hàng Thế giới (WB)

Qua mỗi thời kỳ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của Sở Ngoại vụ ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh, từ 7 cán bộ công chức với 10 nhiệm vụ chính trị, nay Sở Ngoại vụ có 33 cán bộ công chức với 23 chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao. Trong từng giai đoạn, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang luôn xác định hội nhập quốc tế phải trên cơ sở phát huy tối đa nội lực kinh tế của tỉnh, gắn với việc hoàn thiện một số cơ chế, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương; qua đó phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; các hoạt động đối ngoại tập trung phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của tỉnh.

Trong thời gian tới, công tác ngoại vụ địa phương còn nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ công chức, đặc biệt là thế hệ trẻ của Sở Ngoại vụ phải tăng cường phấn đấu rèn luyện bản thân, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nắm vững luật quốc tế, khôn khéo, linh hoạt, giỏi ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới./.

Anh Toàn - VP Sở

Tin khác

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 24/8/2020 (25/08/2020 08:05)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 21/8/2020 (21/08/2020 16:35)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 20/8/2020 (21/08/2020 07:55)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 19/8/2020 (19/08/2020 13:46)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 18/8/2020 (19/08/2020 08:14)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 17/8/2020 (17/08/2020 14:25)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 13/8/2020 (14/08/2020 13:47)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 12/8/2020 (13/08/2020 07:35)

Cập nhật 7h ngày 12/8: Dư luận quốc tế quanh vaccine Covid-19 Nga, Đức nghi ngờ, Mỹ nói 'đồ tụt hậu', WHO thận trọng, Tổng thống Serbia muốn dùng thử (12/08/2020 07:56)

Thông tin tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc ngày 11/8/2020 (11/08/2020 15:10)

xem tiếp