Thứ bảy Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Hội nhập - Phát triển

Gửi Email In trang Lưu
Tác động đa diện của virus corona chủng mới đến kinh tế và địa chính trị thế giới

13/02/2020 13:52

Điều gì sẽ xảy ra nếu những kịch bản tồi tệ nhất về virus corona chủng mới (COVID-19) trở thành hiện thực và dịch bệnh này phát triển nhanh hơn so với những biện pháp phòng ngừa mà cộng đồng quốc tế và Trung Quốc đang triển khai?

Virus corona chủng mới (COVID-19) hiện đã có mặt tại tất cả tỉnh, thành của Trung Quốc.

 Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra ở Trung Quốc đã để lại tác động đa diện về mặt địa chính trị và kinh tế, không chỉ với riêng quốc gia đông dân này, mà còn với cả thế giới. Dù vậy, không khó để nhận ra, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm nhất của dịch bệnh này nhằm tránh những tác động tiêu cực như những gì đã thấy vào năm 2003.

Trong, ngoài đều rối ren

Dịch COVID-19 bùng phát vào thời điểm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, nợ công tăng lên, cùng với đó là nhu cầu nội địa suy giảm và cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2019 gần chạm mức thấp nhất trong ngưỡng mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra, thấp hơn nhiều so với con số 6,6% của năm 2018. Ngày 15/1, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mở đầu cho việc kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, dịch COVID-19 đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng.

Vũ Hán vốn là một trung tâm vận tải và công nghiệp của Trung Quốc.

Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là một trung tâm của ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong khi nền kinh tế nước này đang phát triển chững lại, thành phố Vũ Hán vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% trong năm 2019. Triển vọng của Vũ Hán trong năm 2020 cũng rất tươi sáng. Theo chính quyền tỉnh Hồ Bắc, có tới hơn 300 trong tổng số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đã có mặt ở Vũ Hán, và số lượng công ty công nghệ cao mới thành lập đạt mức kỷ lục là 900.

Hiệu ứng domino kinh tế

Nếu Bắc Kinh có thể sớm ngăn chặn COVID-19, thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ không quá lớn. Chẳng hạn, khi dịch SARS xảy ra vào năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc “chạm đáy” với 4,3%, nhưng sau đó đã nhanh chóng tăng trở lại và đạt mức tăng trưởng 9,7% vào quý III. Tương tự, vận tải hành khách trong tháng 5 và 6/2003 giảm ở mức tương ứng là 42% và 22% trước khi tăng trở lại vào tháng 9 cùng năm.

Tuy nhiên, dịch viêm đường hô hấp cấp lần này có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc và từ đó, tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Theo chuyên gia chiến lược toàn cầu Andrew Milligan thuộc Công ty Aberdeen Standard Investments, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc có thể dập tắt được dịch bệnh này, Bắc Kinh vẫn sẽ vấp phải một cú sốc kinh tế ngắn hạn.

Dù vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng của thị trường toàn cầu, song quan điểm chung của nhiều chuyên gia tài chính là những nhà đầu tư ngắn hạn có thể chịu tác động tiêu cực của những ảnh hưởng chính trị và kinh tế từ COVID-19.

Một số tổ chức tài chính cho rằng, virus corona sẽ gây hiệu ứng domino đối với nền kinh tế Trung Quốc, có tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. 

Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính, sự bùng phát dịch bệnh do COVID-19 gây ra có thể làm giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm 2020. Nạn nhân đầu tiên của COVID-19 là những hãng hàng không và công ty lữ hành, do vậy, ngành du lịch và vận tải sẽ bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác như dược phẩm, thương mại điện tử và ô tô có thể sẽ hưởng lợi.

Bên cạnh đó, EIU dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 là 5,9% và nếu dịch viêm đường hô hấp cấp đạt tới mức nguy hiểm như SARS, tăng trưởng GDP của quốc gia đông dân này có thể sẽ giảm xuống còn 4,9%.

Cần phải lưu ý rằng, GDP năm 2003 của Trung Quốc chỉ là 1.600 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 14.300 tỷ USD của năm 2019. Năm 2003, Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới còn giờ đây, quốc gia này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 với vai trò không thể thiếu trên thị trường toàn cầu.

Chuẩn bị trạng thái "ngủ đông"?

Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ tới uy tín quốc tế ở khía cạnh quyền lực mềm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để thay đổi hình ảnh đất nước, mời những du học sinh nước ngoài và chuyên gia giỏi đến học tập và làm việc. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, riêng tỉnh Hồ Bắc đã có tới 21.371 sinh viên quốc tế.

Giờ đây, mọi thành công của Trung Quốc trong việc thu hút nhân tài từ những quốc gia khác trong thập kỷ qua có thể sẽ bị COVID-19 hủy hoại, khi phần lớn các trường đại học tại đây chưa có thông báo mới nhất về kỳ học mùa Xuân, còn các quốc gia khác đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Vũ Hán.

Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm. Để đối phó với một thách thức lớn như vậy, Trung Quốc cần phải huy động nguồn lực của cả đất nước 1,4 tỷ dân.

Trong bối cảnh những nguồn lực đó cần phải tập trung vào việc chống lại dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông” và thậm chí phải tạm thời rút khỏi chính trường thế giới. Những hậu quả địa chính trị và kinh tế có thể rất lớn trong tương lai gần nếu Bắc Kinh quyết định rằng tạm thời ẩn dật là biện pháp tốt nhất.

Sẽ không có ai vô sự khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị chững lại... Thậm chí, ngay cả khi COVID-19 được ngăn chặn thành công ở phần còn lại của thế giới thì nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị “hắt hơi” và “sổ mũi” cùng với Trung Quốc.

baoquocte.vn

Tin khác

Đoàn công tác của Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang (15/11/2019 10:31)

Lãnh đạo tỉnh làm việc với Ngân hàng Thế giới (07/11/2019 10:33)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp đoàn công tác Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CH Liên bang Đức (27/10/2019 07:10)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh tiếp xã giao Trưởng đại diện GNI tại Việt Nam (25/09/2018 14:55)

Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Công ty Cổ phần Hỗ trợ Công nghiệp phụ trợ Nhật – Việt (16/07/2018 08:29)

Hội đàm giữa Sở Công thương và Cục Thương vụ châu Văn Sơn (Trung Quốc) (25/05/2018 20:59)

Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản (14/05/2018 10:02)

Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS 6) (03/04/2018 10:00)

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Hà Giang tại châu Văn Sơn, Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (01/04/2018 22:04)

Thúc đẩy hợp tác giữa địa phương và doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc (31/03/2018 09:43)

xem tiếp