Thứ sáu Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Chuyển đổi số

Gửi Email In trang Lưu
Ứng dụng công nghệ thông tin tạo hiệu ứng lan tỏa trong công tác quản lý cơ quan hành chính nhà nước

27/06/2018 14:12

Công nghệ thông tin là một công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng vào thực hiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường làm việc văn minh hiện đại, góp phần giảm bớt thời gian, chi phí cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Cán bộ xã Tả Lủng huyện Đồng Văn đã biết sử dụng ứng dụng CNTT trong xử lý công việc.

 Ngay từ khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập Quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử ban hành, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 138-CTr/TU ngày 20/4/2015 thực hiện Nghị Quyết số 36-NQ/TW; UBND tỉnh đã triển khai thực hiện bằng Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 26/10/2015 về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến nay hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được triển khai rộng đến đơn vị cấp xã, từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, cải cách hành chính, đảm bảo truyền nhận thông tin đa chiều an toàn và nhanh chóng, đặc biệt, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Hà Giang do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội tin học Việt Nam đánh giá có bước tiến quan trọng, vượt bậc, từ vị trí cuối bảng xếp hạng lên vị trí số 8/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc   năm 2016.

Đầu năm 2017, Hà Giang triển khai lắp đặt hệ thống Hội nghị trực tuyến đến tất cả xã, phường, thị trấn. Chỉ sau 4 tháng triển khai đã hoàn thành việc lắp đặt 213 điểm cầu trực tuyến, trong đó cấp xã có 192 điểm cầu, còn lại là điểm cầu cấp huyện, cấp tỉnh. Đến nay đã triển khai đầu tư, mở rộng hệ thống Hội nghị trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thiện hệ thống Hội nghị trực tuyến đến xã. Các hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động thường xuyên, phục vụ kịp thời chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền góp phần cải cách hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết, việc đầu tư, lắp đặt hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến các xã, thị trấn là bước đột phá trong ứng dụng CNTT của tỉnh Hà Giang, đồng thời là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất các hội nghị tập trung có quy mô lớn. Qua thời gian vận hành, hiệu quả của hệ thống hội nghị trực tuyến liên thông từ T.Ư đến cấp xã đã cho thấy rõ được sự tiết kiệm nguồn ngân sách của Nhà nước, của cán bộ do không mất chi phí đi lại, ăn nghỉ; rút ngắn thời gian triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cái được lớn nhất là số lượng cán bộ tham gia hội nghị đông hơn và đội ngũ cán bộ thôn, bản được trực tiếp dự hội nghị do tỉnh, T.Ư tổ chức nên có sự thống nhất cao về nhận thức, quan điểm.
 
Bên cạnh đó, việc triển khai đưa vào sử dụng toàn diện và thống nhất việc thuê dịch vụ phần mềm Quản lý văn bản điện tử VNPTIOffice đến 100% Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sự quản lý điều hành của các cấp lãnh đạo, tiết kiệm chí phí văn phòng phẩm trong các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống thư điện tử công vụ được   sử dụng thường xuyên, tạo thành thói quen trao đổi công việc bằng thư điện tử cho các cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Hà Giang được Chính phủ đánh giá là tỉnh đi đầu trong 29 tỉnh, bộ, ngành hoàn thành kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành công ciệc giai đoạn I trên trục liên thông với Văn phòng Chính phủ. Đồng thời là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong triển khai xử lý văn bản điện tử, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
 
Tỉnh Hà Giang cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống “một cửa điện tử” hiện đại cho các huyện, thành phố và đến nay đã liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.hagiang.gov.vn, do Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Giang theo dõi, giám sát thực hiện. Hiện đang triển khai một cửa điện tử liên thông tới các xã, phường thị trấn. Tích hợp và đưa vào sử dụng chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm một cửa điện tử liên thông; cấu hình 286 thủ tục hành chính liên thông giữa các Sở, ngành và văn phòng UBND tỉnh. Sau một thời gian đi vào hoạt động, bước đầu hệ thống này đã mang lại hiệu quả, tạo bước đột phá lớn trong cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.
 
Ứng dụng CNTT tạo hiệu ứng lan tỏa
 
Nhiều sở, ngành đơn vị đã triển khai ứng dụng CNTT chuyên ngành như ứng dụng phần mềm quản lý đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống giám sát trực tuyến các phiên tòa của Toà án nhân dân tỉnh; Phần mềm quản lý cấp số ô tô ra/vào tự động của Ban quản lý khu kinh tế; Phần mềm quản lý và cung cấp giá đất của Sở Tài   nguyên và Môi trường; Phần mềm CSDL theo dõi các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh của Văn phòng UBND tỉnh; Quản lý tư pháp hộ tịch Sở Tư pháp...Trong ngành giáo dục đã triển khai đột phá ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đến các cấp học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện tích hợp 03 sản phẩm ứng dụng gồm VNPT-iOffice, vnEdu, Portal, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng CSDL giáo viên, học sinh các cấp trên vnEdu. Năm học 2016 - 2017 đã có gần 80% số trường đã áp dụng các hình thức hồ sơ, sổ sách điện tử, báo cáo trực tuyến. Tại Hà Giang, phần mềm Quản lý bệnh viện VNPT-HIS, đáp ứng các yêu cầu quản lý của các cơ sở y tế và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể kết xuất, chuyển các báo cáo thanh quyết toán BHYT nhanh chóng, chính xác. Triển khai phần mềm Quản lý lưu trú, tạm trú trực tuyến đến các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh và đến các cơ sở quản lý lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ. Số cơ sở lưu trú được kết nối đến thời điểm 30/6/2017 là 126 cơ sở.
 
Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng CNTT cũng được tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng. Tỉnh thường xuyên khuyến khích các doanh nghiệp, công ty viễn thông và mọi thành phần kinh tế tham gia ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ; thực hiện quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên các Trang/Cổng thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý doanh nghiệp, điều hành sản xuất kinh doanh; riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đang trong quá trình phát triển. Mức độ thực hiện phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế trí thức đạt khoảng 50% nhiệm vụ đặt ra.
 
Bên cạnh đó, tỉnh ban hành, triển khai các chính sách, nghị quyết đặc thù đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT. Cụ thể như Nghị quyết 139 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn. Theo đó, cán bộ chuyên trách CNTT đều được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng tháng, trong đó người có bằng chuyên môn CNTT sau đại học được hưởng hệ số 1,0; đại học hưởng hệ số 0,8; cao đẳng hưởng hệ số 0,6 và trung cấp, chuyên trách là 0,4. Từ đó tỉnh đã thu hút được nguồn nhân lực có trình độ vào các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Toàn tỉnh hiện có 241 cán bộ chuyên trách CNTT, mỗi sở, ban, ngành cấp tỉnh có ít nhất một cán bộ; các huyện, thành phố thành lập trung tâm CNTT và có từ hai cán bộ trở lên. Hàng năm, Trung tâm CNTT Hà Giang còn phối hợp các cơ quan, các huyện, thành phố bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ về kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT mới cập nhật.
 

 

Do đặc điểm là tỉnh nghèo, miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc phát triển ứng dụng CNTT tỉnh Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về công nghệ thông tin trong cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, trên các phương tiện thông tin truyền thanh, truyền hình, phát thanh, Trang thông tin điện tử... Luôn xác định CNTT làm cơ sở hạ tầng thông tin, thúc đẩy CCHC, tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang phát triển bền vững; tạo động lực để Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

CTTĐT

Tin khác

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong giải quyết TTHC (16/10/2017 08:40)

Quyết liệt thực hiện Đề án “Đơn giản hoá giấy tờ công dân” (06/09/2017 08:42)

Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính (26/07/2017 08:31)

xem tiếp