Thứ ba Ngày 23 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ khu vực nào?
Huế
Đà Nẵng
Hà Nội
Khu vực khác

Kinh tế

Gửi Email In trang Lưu
Khai mạc Hội nghị kết nối cung cầu – xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016-2017

15/12/2016 10:41

(Website NVHG) - Sáng 14/12, tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang khai mạc Hội nghị kết nối cung cầu – xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016-2017, nhằm quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang và kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành bền vững.

Hội nghị kết nối cung cầu – xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016-2017

  Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã báo cáo, đánh giá tiềm năng, lợi thế của sản phẩm cam sành Hà Giang. Báo cáo nêu rõ, tỉnh đã có nhiều chính sách cụ thể đối với cây cam, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh vườn cam theo quy trình VietGAP, với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 80 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 500 triệu đồng/dự án... Đến nay diện tích cam toàn tỉnh đạt trên 7.900 ha. Trong đó, trên 1.400 ha cam sản xuất theo quy trình VietGap. Đồng thời, tỉnh đã có định hướng ổn định diện tích cam đến năm 2020 cùng sản lượng cam toàn tỉnh đạt 50.000 – 80.000 tấn/năm...

 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người trồng cam cần tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng "4 có", "5 cùng". Trong đó, tổ chức lại sản xuất phải đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, bắt đầu từ Chi bộ Đảng khu vực nông thôn. Nghị quyết của Đảng phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả việc liên kết “4 nhà”, liên kết thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam Sành trên thị trường. Mặt khác, các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất, cơ chế, chính sách nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, thông qua hội nghị này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người trồng cam nhằm nâng tầm hội nhập và đưa sản phẩm cam Sành Hà Giang trở thành thương hiệu Quốc gia, gắn với sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, thông qua hội nghị, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh bạn trong công tác giữ thương hiệu cam sành Hà Giang, đặc biệt nhấn mạnh các nhà vườn, hợp tác xã vừa ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang thực hiện đúng nội dung đã ký kết, lấy chữ tín làm trọng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị hữu quan phối hợp, quản lý nghiêm tem, nhãn mác Cam VietGAP, tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam Sành Hà Giang. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhằm đảm bảo chất lượng cam Sành Hà Giang, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và người trồng cam Hà Giang tìm hiểu để thống nhất xúc tiến tiêu thụ cam sành niên vụ 2016 – 2017.

Tại Hội nghị, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang, khu vực địa lý gồm 21 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang; 10 xã của huyện Quang Bình và 7 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên… Đồng thời, 8 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang với các hợp tác xã sản xuất cam Sành Hà Giang tại vùng trọng điểm cam của tỉnh. Hy vọng rằng, với chứng nhận của Cục sở hữu trí tuệ và những chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hà Giang trong vụ cam 2016 – 2017 này, thương hiệu cam sành Hà Giang sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao giá trị, vị thế trên trên thị trường, củng cố lòng tin với người tiêu dùng trong những năm tiếp theo./.

 

 

Việt Anh - TTDVĐN